Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

GS.Văn Như Cương gửi thư "lạ" cho học trò



 GS.Văn Như Cương gửi thư "lạ" 
cho học trò

 - Trước ngày khai giảng năm học mới, PGS TS Văn Như Cương đã có bức thư gửi học trò Trường THDL Lương Thế Vinh.


Thầy Cương dặn học sinh: "Hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, không lên mạng để “câu giờ”, không đàn đúm bê tha, không bàn luận những điều nhảm nhí…

Hãy học tập hết mình, học chủ động, sáng tạo, không hời hợt qua loa. Ngoài giờ lên lớp hãy tự học chứ đừng đi học thêm. Tự học là phương pháp  tốt nhất để phát huy trí tuệ, để nắm vũng kiến thúc và linh hoạt áp dụng.Còn học thêm là con đường ngắn nhất làm cho trí tuệ dần trở thành “thiểu năng”. Nên biết rằng trong kì thi vào ĐH, CĐ vừa qua 80% thủ khoa là ở vùng nông thôn, trong số đó phần lớn là không đi học thêm. Đó là điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ.
...
Hãy trung thực đừng dối trá , hãy vị tha đừng vị kỉ, hãy hòa đồng đừng đố kị, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ đừng a dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông câu tục tĩu …Tóm lại, hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể bước vào đời như một người chân chính chứ không phải là một kẻ hạ lưu… Thầy hy vọng rất nhiều ở các em, những chủ nhân tương lai của đất nước".
(Nguồn: Trường THDL Lương Thế Vinh)

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Hình ảnh cuộc thi xe sinh thái lần thứ 3 ở Việt Nam



Hình ảnh cuộc thi xe sinh thái lần thứ 3 ở Việt Nam

 

Thành tích đầy tự hào của đội đua mang tên "Cánh gió" tại cuộc thi Lái xe sinh thái và tiết kiệm nhiên liệu năm 2012 diễn ra ngày 12/8 tại Vĩnh Phúc. 


“Cánh gió” đội đua của nhân viên HVN đoạt 

giải vô địch của cuộc thi năm 2012 với thành tích 912,66 km/lít

 

Sự tham gia đông đảo của các đội ở nội dung xe 
tự chế khiến ban tổ chức hy vọng năm sau, quãng đường 
kỷ lục hơn 900km của năm nay sẽ sớm bị vượt qua

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, cuộc thi Lái xe sinh thái - Tiết kiệm nhiên liệu được tổ chức tại Việt Nam. Năm nay, số lượng các đội tham gia lên tới con số kỷ lục: 79 đội đến từ khắp nơi trên cả nước, bao gồm 58 đội thi nội dung xe tự chế và 21 đội thi nội dung xe thị trường. Đặc biệt, số đội đến từ các trường đại học công nghệ hàng đầu trên cả nước tăng lên đáng kể - tổng số là 44 đội, cao hơn nhiều so với con số 18 đội của năm ngoái.

Với quãng đường kỷ lục hơn 900km, đội quán quân năm nay bỏ cách đội về thứ nhì gần 40km (đội MQ - EQ : 876.127 km/lít) và thứ ba (đội Phoenix 18: 694,190 km/lít). Không những vậy, kỷ lục này còn vượt xa mức của năm 2011, khi đội quán quân Chivas 24 chỉ đạt được con số khiêm tốn (355,54km/lít).

Với kết quả này, quán quân cuộc thi năm nay đương nhiên đoạt một vé đi đọ sức cùng các đội đua khác trên khắp thế giới trong cuộc thi tại Nhật vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, một điều khá hấp dẫn trong cuộc thi năm nay là việc một đội đến từ các trường đại học cũng sẽ được tham dự cuộc thi chung kết toàn thế giới.

Một số thay đổi thực sự mang tính khoa học kỹ thuật đã được các đội tham gia nội dung xe tự chế ứng dụng: với động cơ 110cc mà Honda cung cấp, các đội đã thay bộ chế hòa khí bằng phun xăng, ECU điều khiển được cài đặt lại phù hợp với các thời điểm xuất phát/nuôi đà, ngoại thất được đầu tư đắp bằng composite, tỷ số truyền được cải tiến cho phù hợp...

Một số hình ảnh vòng chung kết của cuộc thi diễn ra vào hôm qua 12/8/2012
Một cuộc thi đầy ý nghĩa cho các trường đại học tại Việt Nam

Năm nay có một con số kỷ lục với 58 đội thi xe tự chế,
 trong đó có tới 44 đội từ các trường đại học

Sự quyết tâm của một đội đua, cả thầy và trò đều chung sức...

Một thành viên trong đội đua xe tự chế kiểm tra lần cuối trước khi xuất phát

Trước giờ xuất phát

Niềm tin chiến thắng của tài xế đội đua 121

Ban tổ chức đã nhập cả những bình nhiên liệu từ Nhật Bản 
cho các đội tham gia cuộc đua năm nay

Bộ phun xăng điện tử cho động cơ 110cc cùng đĩa chung gian 46 
mắt để thay đổi tỷ số truyền theo chủ nhân của chiếc xe này - đội ĐH 
Sư phạm Kỹ Thuật Tp HCM cho biết, tỷ số này đã cao hơn con số 5:1

Bộ ECU tự chế tác động vào thời gian, 
lượng nhiên liệu... của bộ phun xăng điện tử

Một thiết kế lạ mắt trong nội dung Xe tự chế

Một mẫu xe đơn giản...

Bên cạnh một mẫu xe khủng giống với thiết kế 
của các mẫu xe máy ba bánh trên thế giới như Can-Am, Piaggio...

Một trong số những thiết kế đẹp trong cuộc thi năm nay

Đội Cánh gió - vô địch EMC 2012 trên đường chạy. Ảnh: Trọng Nghiệp.

Ban tổ chức đo mức nhiên liệu còn lại bằng cân điện tử để đảm bảo sự công bằng

Kết quả nội dung thi xe tự chếGiải nhất: Đội Cánh gió - Honda Việt Nam: 912,661 km/l
Giải nhì: Đội MQ - EQ : 876.127 km/l
Giải ba: Đội Phoenix 18: 694,190 km/l

Đội Cánh Gió của HVN bất ngờ lập kỷ lục hơn 900 km/lít xăng Sử dụng hàng loạt sự cải tiến về công nghệ, đã đoại giải vô địch ở nội dung quan trọng nhất là xe tự chế với kỷ lục 912 km/lít. Tuy nhiên so với mức kỷ lục hơn 3.100 km/lít của đội Nhật Bản, thành tích của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn ở khoảng cách khá xa.

Theo Dân trí Thứ Hai, 13/08/2012 

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Già đi con người có trở nên thông thái hơn?


Già đi có khiến con người trở nên thông thái hơn?


Ở phương Tây, loài vật biểu trưng cho sự thông thái là loài cú, còn ở phương Đông, loài rùa lại luôn là biểu tượng cho kiến thức. Trong những câu chuyện, sách vở hoặc trên phim ảnh, loài cú và loài rùa luôn được xây dựng đúng với vẻ ngoài của chúng trong tự nhiên. Loài cú trầm mặc, im ắng và loài rùa từ tốn, già cỗi là những biểu tượng hoàn hảo cho sự thông minh.

   
Khi xét đến loài người, chúng ta thường đưa những người già lên làm biểu trưng cho sự thông thái của cả cộng đồng. Không phải tự nhiên mà những người đứng đầu thường là già làng, những người có tuổi và dư luận thường rất ngạc nhiên khi những người đứng đầu, lãnh đạo một quốc gia là một người trẻ tuổi.

Những nhân vật nổi tiếng về sự thông thái cũng thường là những người có tuổi như Nữ hoàng Anh, Giáo hoàng…Thực tế thì nhiều người cũng tin rằng sự thông thái sẽ đến kèm với tuổi tác. Nhưng thật sự có phải như vậy?

1. Sự thông thái đi kèm với tuổi tác?

Chắc hẳn chúng ta có rất nhiều ví dụ về những trường hợp người lớn tuổi nhưng không thông thái cũng như ví dụ về những người trẻ tuổi nhưng lại vô cùng khôn ngoan. Thực tế thì tuổi cao không đi kèm với đỉnh cao của sự phát triển trí não. Khi tuổi càng cao, quá trình lão hóa sẽ tác động không tốt đến não bộ. Những nếp nhăn xuất hiện trên mặt cũng gần như đồng nghĩa với việc những nếp nhăn biến mất trong não bộ, hơn nữa, tuổi tác cao cũng có nghĩa là não chúng ta đã bị co rút lại rất nhiều so với khi còn trẻ. Những người già thường có trí nhớ kém, người ta vẫn thường gọi là lẩm cẩm.


Triết học và tôn giáo đã nghiên cứu, viết sách vở về sự thông thái từ rất lâu, nhưng phải mãi cho đến những năm 1950, khoa học mới nghiên cứu về đề tài này.

Nhà phân tâm học Erik Erikson đã tạo ra lý thuyết về 8 giai đoạn phát triển của con người, ở mỗi giai đoạn này con người sẽ có những thay đổi bên trong cơ thể và dần dần định hình nhân cách của mỗi người. Giai đoạn đầu của sự phát triển, những đứa trẻ sẽ học đối diện với sự tin tưởng và sự mất niềm tin, hình thành trong chúng, hi vọng hoặc sự thất vọng, ảnh hưởng đến tính cách của mỗi đứa trẻ. Ở giai đoạn già cỗi, chúng ta sẽ lão hóa, những người bị sự lão hóa phá hỏng trí não sẽ bị những bệnh như mất trí nhớ ở người già, những người không bị lão hóa tác động mạnh đến trí não thường sẽ được coi là người thông thái.

Theo quan điểm của ông, trí tuệ là sự tổng hợp, hình thành trong suốt quá trình sống của một cá thể, phụ thuộc vào cả các thay đổi về thể chất lẫn tâm lý. Tuy chưa định nghĩa rõ ràng được trí tuệ là gì nhưng lý thuyết của Erikson đã mở đường cho những nghiên cứu về sự thông thái, trí tuệ của con người.

2. Định nghĩa của Sự thông thái

Trí  tuệ thực sự không thể được định nghĩa rõ ràng, nó là sự tổng hợp của rất nhiều khái niệm khác nhau như: trí thông minh, kiến thức, sự hiểu biết về con người, sự khiêm tốn, kinh nghiệm, sự cởi mở, kỹ năng giải quyết vấn đề và phán xét.

Những người có những phẩm chất nói trên thường được coi là người thông thái. Những người lớn tuổi thường có kinh nghiệm sống hơn những người trẻ tuổi, do đó, khi những người già hội đủ những yếu tố để được coi là lớn tuổi, họ thường trở thành những người lãnh đạo, dẫn dắt sự phát triển của một cộng đồng người nhất định.


Không giống như kiến thức sách vở thông thường, sự thông thái rất khó để được đo đếm theo những chuẩn mực. Thực tế thì sự thông thái thường phải xét theo cả phương diện văn hóa, xã hội và môi trường nơi một người sinh sống.

Một chương trình tên là Berlin Wisdom Project đã đưa ra những cuộc khảo sát, nghiên cứu để cố gắng tìm ra những định nghĩa hoàn chỉnh về sự thông thái. Một trong những câu hỏi khảo sát là: “Một cô gái 14 tuổi quyết định bỏ nhà ra đi và sống tự lập. Như vậy có phải khôn ngoan?”. Trong trường hợp này, câu trả lời của mỗi người lại khác nhau, tùy thuộc vào môi trường sống và những kinh nghiệm bản thân của người được hỏi.

Tuy nhiên, chương trình này lại được cho là không phù hợp. Theo những tiêu chuẩn, người được coi là thông thái còn hội tụ được cả sự điềm đạm cũng như kinh nghiệm tích lũy trong cuộc sống, trong khi đó, chương trình này lại tập trung vào khảo sát về trí tuệ, kiến thức – là những khái niệm rất nhỏ bé so với phạm trù thông thái.

3. Sự phát triển

Những nghiên cứu đã chỉ rõ rằng những người lớn tuổi hơn không đồng nghĩa với việc người đó thông thái hơn. Độ tuổi thể hiện rõ nhất sự thông thái là trung niên hoặc khi đã khá cao tuổi nhưng sự thông thái bị giảm sút mạnh sau 75 tuổi do những vấn đề về sức khỏe và sự lão hóa ở con người. Và sự thông thái cũng phải được xem xét trong một nhóm, một cộng đồng nơi người được xét sinh sống, sự khác biệt về văn hóa, suy nghĩ cũng có thể ảnh hưởng đến sự đánh giá này.


Tuy có độ hiểu biết, quyết định gần giống nhau nhưng những người lớn tuổi hơn lại có được sự trầm tĩnh, phong thái hơn hẳn so với những người ở độ tuổi trung niên. Trong cuộc khảo sát, một bà già nghèo, 67 tuổi, từng sinh ra 7 đứa con lại có chỉ số thông thái hơn hẳn với những người trong cùng cuộc khảo sát đó. Những bản năng tự nhiên, sự lạc quan, kinh nghiệm tích lũy qua thời gian ảnh hưởng rất lớn đến sự thông thái của mỗi người.

Những cuộc thí nghiệm vào năm 2008 tại Đại học Alberta và Đại học Duke cũng cho thấy rõ rằng những người lớn tuổi hơn thương nhìn nhận sự việc tích cực hơn so với người trẻ tuổi. Những cuộc kiểm tra cho thấy rằng trước mỗi một sự việc, hình ảnh, não bộ của người già thường liên kết những phản ứng của tâm lý với vùng kiểm soát cảm xúc, điều này khiến cho họ có vẻ điềm đạm, và tích cực hơn.

Những nhà nghiên cứu cho rằng, người già có thể kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Những người già từng trải có rất nhiều những lý luận mang tính đạo đức cao, chính điều này cũng tạo nên sự thông thái và trí tuệ cho họ. Những người trẻ tuổi thường nắm bắt được bài học đạo đức trong những câu chuyện nhưng lại không thể hiểu được tầm cao hơn của những bài học ấy; những người lớn tuổi hơn có thể nắm bắt tầm cao hơn của những triết lý tuy nhiên, chỉ những người già mới có thể hiểu hoàn toàn và nắm bắt được cảm hứng từ những bài học triết lý đó.

Sự thông thái tồn tại ở mọi lứa tuổi, nhưng cách nhìn nhận mọi việc lại hoàn toàn khác nhau. Những người trẻ tuổi hơn có thể lựa chọn công việc một cách khôn ngoan, tuy nhiên, họ lại thiếu tầm nhìn, giới hạn về những kiến thức của cuộc sống khó có thể giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn, đó là một trong những lý do những người trẻ thường khó ổn định công việc. Những người lớn tuổi hơn có kinh nghiệm hơn, do đó, quyết định trong mọi việc của họ dù bị coi là cổ hủ nhưng lại khá sáng suốt và mang lại nhiều ích lợi cho tương lai.

Erik Erikson là người đi tiên phong trong việc sử dụng khoa học để nghiên cứu sự thông tuệ của con người. Vào năm 1980, ông đã bổ sung cho lý thuyết về 8 giai đoạn phát triển trong cuộc sống. Ông cho rằng, trong 7 giai đoạn đầu của sự phát triển, mỗi bài học con người học được sẽ phát triển thành một thứ gì đó quan trọng, sâu xa hơn khi lớn lên. Những đứa trẻ học được cách tin tưởng và hi vọng sẽ hiểu được giá trị của sự tương tác khi lớn lên. Việc hiểu được giá trị của sự thấu cảm, tính kiên cường, sự khiêm tốn phát triển trong mỗi giai đoạn của cuộc đời giúp cho những người lớn tuổi trở thành những người thông thái, chỉ đường, dẫn lối cho những người trẻ tuổi.


Erik Erikson - Nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về sự thông thái ở loài người.

Kết

Có một câu nói mỉa tôi đã từng đọc: “Hỡi những người trẻ tuổi! Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với sự đàn áp của cha mẹ, thầy cô. Nếu bạn thực sự muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy chống lại họ, hãy dọn ra ngoài ở, hãy tự đi làm, hãy tự trang trải cuộc sống. Hãy làm đi vì giờ đây bạn biết tất cả mọi thứ!”.

Như chúng ta đã đồng ý, sự thông thái tồn tại ở mọi lứa tuổi, mỗi người ở mỗi độ tuổi đều có thể học được những điều mới mẻ, hiểu được giá trị trong cuộc sống. Tuy nhiên, những người lớn tuổi hơn lại có kinh nghiệm sống phong phú hơn, họ đã trải qua thời trẻ tuổi. Chúng ta – những người trẻ - luôn cố gắng thoát khỏi sự quản thúc của cha mẹ, muốn tự khẳng định chính mình. Chúng ta đã quên mất rằng, những người già biết nhiều hơn những gì chúng ta có.

Tôn trọng và học hỏi – Đây là những gì chúng ta nên làm và phải làm. Những người già thông thái có thể dạy cho chúng ta nhiều điểu.
Tham khảo: Howstuffworks
Nguồn : genk.vn

Việt Nam đoạt 2 huy chương Bạc Olympic Toán học SV quốc tế


Việt Nam đoạt 2 huy chương Bạc Olympic Toán học SV quốc tế

4 sinh viên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia HN đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học sinh viên quốc tế năm 2012 đã xuất sắc giành 2 huy chương Bạc và 2 bằng khen.

Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên quốc tế năm 2012 là kỳ thi Olympic lần thứ 19 (IMC). được tổ chức ở trường đại học American University 
(Blagoevgrad, Bulgaria) từ 26/7 đến 1/8 năm 2012.

Các thí sinh phải làm 10 bài (5 bài trong 5h mỗi ngày), gồm các kiến thức tương đối chuyên sâu về các lĩnh vực: Đại số (Algebra), Giải tích thực và phức (Real and Complex Analysis), Tổ hợp (Combinatorics) và Hình học (Geometry).


Tham dự IMC lần này có 75 trường ĐH với 315 sinh viên tham gia. Đây là lần thứ 4, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là đội tuyển duy nhất của Việt Nam tham dự IMC.

Đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi IMC 2012.
Đoàn gồm 4 SV: Hoàng Đức Trung, K53 Tiến tiến Toán học (khóa 1) và 3 sinh viên K55 cử nhân khoa học tài năng gồm Trần Văn Độ, Phạm Minh Quang, và Nguyễn Đức Khánh.
Dân trí Thứ Ba, 07/08/2012

Việt Nam đoạt giải nhì cuộc thi Tiết kiệm năng lượng tại Malaysia


Sinh viên Việt Nam đoạt giải nhì cuộc thi Tiết kiệm năng lượng tại Malaysia


Đội Bio-Energy.

- Tại cuộc thi Shell Eco Marathon – Tiết kiệm năng lượng diễn ra ở Malaysia từ ngày 5 - 7.7, đội Bio-Energy thuộc đại học Bách khoa Hà Nội đã xuất sắc giành hạng nhì trong hạng mục nhiên liệu sinh học ethanol với thành tích 455,4km/lít nhiên liệu (ảnh).

Cuộc thi năm nay có 109/119 đội vượt qua vòng kỹ thuật. Việt Nam có bốn đội đại diện tham dự, đến từ các trường: đại học Bách khoa Hà Nội, đại học Bách khoa TP.HCM và hai đội trường đại học Công nghiệp TP.HCM.
SGTT.VN 11.07.2012



Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Nữ giáo sư gốc Việt chủ nhân của "Giải Nobel Thiên văn học" thế giới



"Nobel Thiên văn học" về tay nữ giáo sư gốc Việt

Cuối tháng 5 vừa qua, tại Hồng Kông, Quỹ Shaw đã xướng danh người đạt Giải Shaw Thiên văn học 2012 là Giáo sư Lưu Lệ Hằng về những đóng góp của cô trong việc định danh “các vật thể ngoài Hải Vương tinh” (Trans-Neptunian Objects), viết tắt là TNOs.


(Ảnh: ShawPrize)

Giáo sư Jane X. Luu (Lưu Lệ Hằng) cùng với người thầy – đồng nghiệp của mình là Giáo sư David C. Jewitt, Giám đốc Viện nghiên cứu thiên thể (Institute for Planets and Exoplanets), Đại học California – Los Angeles, Hoa Kỳ đã đạt giải Shaw với công trình khám phá ra các vật thể ngoài Hải Vương tinh (TNOs) – những kho báu khảo cổ giúp chúng ta quay ngược thời gian về lúc hình thành nên hệ Mặt trời và nguồn gốc của các sao chổi chu kỳ ngắn. Giải Shaw danh giá được ví như là "Giải Nobel của châu Á", được bắt đầu trao tặng từ năm 2004. Giải trao cho các thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất trong các lĩnh vực: thiên văn học, khoa học sự sống và y học, toán học. Điểm đặc biệt là giải chỉ được trao cho các nhà khoa học còn sống (cho đến lúc ra quyết định) giống như Giải Nobel. Giải Shaw mỗi năm gồm 3 triệu đô la Mỹ, chia đều cho ba lĩnh vực khoa học được xét thưởng. Ngài Run Run Shaw, ông trùm truyền thông Hồng Kông năm nay 105 tuổi là người bảo trợ cho giải thưởng này.

Nữ chủ nhân của "Giải Nobel Thiên văn học" thế giới

Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, tại thủ đô Oslo của Na Uy, Quỹ Kavli cũng đã công bố Giải Kavli năm 2012 cho bảy nhà khoa học tiên phong thuộc ba lĩnh vực nghiên cứu hiện đại: vật lý thiên văn học (astrophysics), khoa học nano (nanoscience) và thần kinh học (neuroscience). Giáo sư Lưu Lệ Hằng, nhà thiên văn học Mỹ gốc Việt đã là một trong những chủ nhân của giải Kavli thiên văn học năm nay. Giải Kavli được khởi xướng từ năm 2008 bởi nhà khoa học người Na Uy Fred Kavli và Quỹ Kavli của ông. Một hội đồng chuyên gia quốc tế đến từ nhiều viện nghiên cứu khác nhau trên thế giới sẽ lựa chọn và hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu đoạt giải. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu sẽ có 1 triệu đô la Mỹ tiền thưởng, chia đều cho các đồng chủ nhân giải thưởng. 

Giải Kavli Thiên văn học được mệnh danh là "Giải Nobel Thiên văn học" của thế giới. Giải thưởng Thiên văn học 2012 được trao cho công trình khám phá ra vành đai Kuiper của ba nhà thiên văn học: David C. Jewitt, Đại học California - Los Angeles (UCLA), Hoa Kỳ; Jane X. Lưu (Lưu Lệ Hằng), Phòng thí nghiệm Lincoln, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ; và Michael E. Brown, Viện Công nghệ California (Caltech). Giải Kavli Thiên văn học 2012 ghi nhận công trình khám phá ra vành đai Kuiper và những vật thể lớn nhất của nó. Công trình này sẽ giúp ta có những bước tiến lớn trong việc tìm hiểu lịch sử hệ Mặt trời. Một điều đáng chú ý là năm nay, "nóc nhà công nghệ của thế giới" MIT có tới ba nhà khoa học nữ đoạt giải ở tất cả lĩnh vực nghiên cứu. 

 Nhà thiên văn nữ gốc Việt Lưu Lệ Hằng

Giáo sư Lưu Lệ Hằng (ảnh: Kavli Foundation), tên nhập quốc tịch Hoa Kỳ là Jane X. Luu, sinh năm 1963 và sang Mỹ từ năm 1975. Cô học trò gốc Việt sau đó giành được học bổng ngành vật lý tại Đại học Stanford. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1984, cô tân cử nhân đã dành mùa hè thảnh thơi của mình để bắt đầu học lên cao học tại Đại học California – Berkeley, cùng lúc đó cô làm việc cho Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (Jet Propulsion Laboratory) ở Pasadena. Thích thú trước những bức tường treo đầy hình ảnh các hành tinh do tàu nghiên cứu không gian Voyager gửi về, Lưu Lệ Hằng quyết định theo đuổi ngành thiên thể học. Sau khi hoàn thành cao học tại Berkeley, cô lấy bằng tiến sĩ ở MIT. Trong thời gian ở MIT, cô cùng với nghiên cứu sinh David Jewitt làm đề tài Khảo sát các vật thể di chuyển chậm (Slow-Moving Objects) ngoài hệ Mặt trời.

Sau đó Lưu Lệ Hằng tham gia giảng dạy tại Đại học Harvard rồi chuyển sang Đại học Leiden ở Hà Lan. Khi quay về Mỹ, cô tạm xả hơi chuyên ngành thiên văn quan sát của mình và công tác tại Phòng thí nghiệm Lincoln của MIT cho đến nay. Cô hiện đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Vào năm 1991, Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ đã trao giải Annie J. Cannon Award Thiên văn học cho cô. Để ghi nhận công lao của cô trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, người ta lấy tên cô đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu. Năm nay – 2012 quả là năm của người phụ nữ gốc Việt khi cái tên Lưu Lệ Hằng được xướng danh ở cả hai giải thưởng thiên văn học danh giá nhất thế giới.

Năm 1996, nhà báo khoa học Marcia Bartusiak đã viết về hành trình tuyệt vời của GS Lưu Lệ Hằng khi cô còn giảng dạy tại Đại học Harvard. Vì sao lại là "hành trình tuyệt vời"? Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, cô là Học giả sau tiến sĩ Hubble (Hubble Postdoctoral Fellowship) - phần thưởng danh giá nhất cho các nhà nghiên cứu trẻ trình độ sau tiến sĩ.


Theo KavliPrize, ShawPrize, Science, MIT
Thienvanhoc.org

Thần đồng toán học Vũ Hữu


Vũ Hữu - nhà toán học thời xưa
 - Các trạng nguyên, tiến sĩ  nước ta nói chung đều giỏi văn chương, thơ phú, hầu như chỉ có hai người nổi tiếng về toán học. Đó là trạng nguyên Lương Thế Vinh và  người thứ hai chính là Vũ Hữu.

Thần đồng toán học   

Vũ Hữu đỗ Hoàng giáp (tức Tiến sĩ) cùng khoa với Lương Thế Vinh khoa thi năm Quý Mùi (1463) đời vua Lê Thánh Tông.

Từ bé Vũ Hữu còn sớm thể hiện năng khiếu về tính toán. Trong làng trong xóm có sự tranh chấp gì về chia chác ruộng đất đều nhờ cậu tính toán, phân xử  giúp. Tiếng đồn về tài toán của cậu lan ra khắp vùng Đường An, trấn Hải Dương.

Một lần, Vũ Hữu theo cha là ông Vũ Bá Khiêm sang nhà bạn chơi. Chủ  nhà có một chiếc điếu cày được nạm bạc rất đẹp nhưng cái nõ lại bằng đồng. Muốn thay nhưng chưa biết phải ứng ra bao nhiêu bạc bèn nhờ Vũ Hữu tính hộ.

Vũ Hữu xin đem đến một chiếc đĩa, cậu đặt chén nước vào trong lòng đĩa, rồi nhẹ nhàng rót nước đầy đến miệng chén, nhưng không để trào ra một giọt nào. Sau đó cậu nhúng chìm chiếc nõ điếu vào chén nước. Nước bị chiếc nõ choán chỗ trào ra ngoài, chảy xuống bát. Đong số nước trào ra trong bát chính là thể tích của chiếc nõ. Ông chủ cứ theo đó để xuất bạc nén cho thợ làm nõ điếu thì vừa vặn.

Không thừa một viên


Vũ Hữu thi đỗ Hoàng giáp năm 20 tuổi, được vua Lê Thánh Tông cử giữ chức lang trung ở Khâm hình viện.

Sách Công dư tiệp ký  còn ghi lại câu chuyện Vũ Hữu sửa chữa các cổng thành Thăng Long. Trong khi các viên quan bộ Công lúng túng không tính ra được khối lượng vật liệu và  dự toán kinh phí, thì Vũ Hữu dẫn mấy thợ  cả đến thị sát và đo đạc tỉ mỉ từng cửa thành, rồi tính ra số lượng gạch rất cụ thể. Thượng thư bộ Công có ý nghi ngờ.



Làng Mộ Trạch xã Tân Hồng, huyện Bình Giang,
tỉnh Hải Dương, quê hương của Vũ Hữu.

Thấy vậy, Vũ Hữu đứng lên thưa: Bẩm thần đã tính toán kỹ, không thừa không thiếu một viên. Một viên quan khác được dịp xúc xiểm: Bẩm tâu, đã vậy xin quan lang trung làm cam kết nếu sai lệch sẽ bị trị tội.

Vua hỏi: Các quan có ý  như vậy, khanh có dám nhận không? Vũ Hữu  đáp: Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý.

Ngay hôm ấy, Vũ Hữu sai mua gạch xếp từng chồng ngay ngắn bên cổng thành Đông Hoa. Hôm sau, khi công việc đã hoàn tất, một  viên quan tỏ vẻ đắc ý, mách với vua: Tâu bệ hạ, ở đây vẫn còn thừa một viên ạ.

Vũ Hữu đỡ viên gạch và tâu: Bẩm bệ hạ và các vị đại thần, viên gạch này không thừa đâu. Tại mặt tường phía đông bên kia ở trên cao có một viên gạch bị mủn vỡ, thần đã cho thửa riêng viên gạch này để thay thế. Mọi người bán tín, bán nghi, Vũ Hữu dẫn vua sang bên kia tường thành, sai thợ trèo lên gỡ viên gạch vỡ ra và đem trám viên gạch mới vào thì vừa khít. Vua Lê rất đẹp lòng.

Vũ Hữu làm quan có tính cẩn thận, cần mẫn, sống liêm khiết, nên ngày càng được vua tin dùng, thăng lên tới chức Thượng thư bộ Hộ, rồi Thượng thư bộ Lễ, sau được phong hàm Thái bảo, tước Trùng Dương Hầu.
Vũ Hữu được trọng dụng, giữ làm quan trong triều đến năm 70 tuổi mới được cho về nghỉ hưu. Về trí sĩ tại quê nhà, nhưng mỗi khi vua cần đến lại cho mời ông ra hỏi ý kiến. Ông thọ đến 93 tuổi mới mất.
Lương Thế Vinh để lại cho đời cuốn Đại thành toán pháp, còn Vũ Hữu là  tác giả cuốn Lập thành toán pháp. Cả hai cuốn  ấy đều trở thành sách giáo khoa về toán cho học trò nước ta hàng mấy thế kỷ. Lập thành toán pháp bao gồm những kiến thức cơ bản về hình học và số học, hướng dẫn cách đo lường ruộng đất theo các đơn vị mẫu, sào của nước ta, tính toán các công trình xây dựng, kiến trúc, đào đắp kênh mương, đê điều...
Dĩ Nguyên