Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Cho tôi xem giấy chứng nhận làm người



Cho tôi xem giấy chứng nhận làm người
Nhà ga ngày cận tết, mọi người đều hối hả bắt chuyến tàu cuối cùng để kịp trở về quê và rất háo hức vì sắp được đoàn tụ cùng gia đình. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, cô gái soát vé bắt đầu công việc của mình. Cô nhanh chóng kiểm tra cẩn thận vé của từng hành khách, cho đến khi gặp một người đàn ông đứng tuổi với dáng vẻ khắc khổ.
Cô khó chịu nhìn chằm chằm vào ông, nói với giọng cộc lốc: “Soát vé!”
“Đã dặn là cầm sẵn vé để soát cho nhanh. Ông làm mất nhiều thời gian của tôi quá rồi đó.”
Cuối cùng ông cũng tìm thấy vé, nhưng đôi tay cứ run run không muốn đưa ra.
Cô soát vé liếc nhìn rồi lại lớn tiếng:
“Ðây là vé trẻ em.”
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, lí nhí nói:
“Tôi là người tàn tật. Vì vé trẻ em bằng giá vé người tàn tật nên tôi đã mua nó.”
Cô nhìn người đàn ông với ánh mắt soi xét hồi lâu rồi hỏi:
“Ông là người tàn tật sao? Yêu cầu ông cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.”
Người đàn ông có vẻ căng thẳng, ông lắp bắp:
“Tôi… không có giấy tờ. Lúc tôi đi mua vé, cô bán vé cũng bảo tôi phải đưa giấy chứng nhận tàn tật. Tôi không biết phải làm thế nào nên đã mua vé trẻ em.”
Cô soát vé quắc mắt :
“Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được ông là người tàn tật?”
Người đàn ông im lặng, ông lặng lẽ cúi xuống vén ống quần lên: ông chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn với vẻ mặt lạnh lùng rồi nói tiếp:
“Cái tôi cần xem là chứng từ, tức là “Giấy chứng nhận tàn tật”, đóng con dấu đỏ của Hội người tàn tật, chứ không phải thứ này.”
Mặt ông bắt đầu đỏ, hai mắt ngân ngấn nước:
“Giấy tờ tùy thân của tôi đã mất cả rồi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra tai nạn, ông chủ đã bỏ chạy, tôi không có tiền đến bệnh viện giám định. Xin cô thông cảm cho, để tôi được về quê ăn tết với gia đình.”
Cô soát vé không nói thêm lời nào, quay đi gọi trưởng tàu đến giải quyết. Vị trưởng tàu nghe tin, liền vội vã đi nhanh về phía người đàn ông tội nghiệp.
Mắt đỏ hoe, ông run run chỉ cho vị trưởng tàu bàn chân của mình và thuật lại câu chuyện một lần nữa. Vị trưởng tàu nhìn thẳng mặt ông hồi lâu rồi nói: “Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật thì mới là người tàn tật. Phải có giấy này mới được hưởng vé người tàn tật. Ông hãy mau mau mua vé bổ sung.”
Người đàn ông bỗng thẫn thờ, ông lục khắp lượt các túi trên người và hành lý gom góp tiền rồi cẩn thận đếm từng tờ. Tất cả chỉ có vẻn vẹn hơn 50 ngàn đồng, không đủ mua vé bổ sung. Ông đưa mắt nhìn vị trưởng tàu và cô gái, vẻ mặt họ vẫn lạnh như băng.
Trưởng tàu vẫn kiên quyết nói: “Không được.” Thừa dịp đó, cô soát vé nói:
“Hay là bắt ông ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động thay cho cái vé.”
Nghĩ một lát, trưởng tàu gật đầu đồng ý.

Một ông lão ngồi đối diện đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện, cảm thấy vô cùng bất bình. Ông đứng lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:
“Anh có phải đàn ông không?”
Vị trưởng tàu tỏ ra khó hiểu, hỏi lại:
“Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?”
“Anh hãy trả lời đi. Anh có phải đàn ông hay không?” Ông lão kiên quyết.
“Ðương nhiên tôi là đàn ông rồi.”
“Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh hãy đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem.”
Mọi người chung quanh cười rộ lên. Người trưởng tàu thẫn mặt, giận đến tía tai, nói lớn:
“Một người đàn ông cao lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là giả?”
Ông lão lắc đầu, ôn tồn nói :
“Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người. Nếu anh có giấy chứng nhận đàn ông thì là đàn ông, không có thì không phải.”
Vị trưởng tàu cứng lưỡi không biết ứng phó ra sao. Anh ta cứ lắp bắp mãi không nói nên được câu nào. Thấy vậy, cô soát vé vội đứng ra giải vây, cô nói với ông lão:
“Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì thì ông cứ nói với tôi.”
Ông lão chỉ thẳng vào mặt cô ta:
“Cô hoàn toàn không phải người!”
Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành rồi hét lên:
“Tôi yêu cầu ông ăn nói tử tế một chút. Tôi không là người thì là gì?”
Ông lão vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh và nói:
“Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận làm người của cô ra xem nào.”
Mọi người lại cười ầm lên một lần nữa. Cô soát vé và trưởng tàu đỏ mặt không nói được lời nào, quay lưng đi thẳng. Người đàn ông cúi xuống, lau vội những giọt nước mắt đang đầm đìa trên khuôn mặt.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Sự khác nhau về nhu cầu của đàn ông và phụ nữ thời hiện đại.

Sự khác nhau về nhu cầu của đàn ông và phụ nữ thời hiện đại.

Đàn ông cần nhất là phụ nữ, sau đó đến xe hơi. Trong khi phụ nữ lại coi trọng nhất là tình yêu, sau đó mới đến gia đình.
Theo DeviantArt.com
Hình ảnh so sánh sự khác nhau giữa 2 giới :
Nam : Phụ nữ, xe hơi, thể thao giải trí, cuộc sống.
Nữ : Tình yêu, Gia đình, cảm xúc, cuộc sống.


Trong thế kỷ 21 bạn không thể có sự ổn định


Trong thế kỷ 21, bạn không thể có sự ổn định. Nếu bạn cố thủ với một bản ngã cố định, một công việc ổn định, hay một thế giới quan, bạn mạo hiểm để thế giới tuột qua kẽ tay trong một cái nháy mắt. Để duy trì giá trị – không chỉ về mặt kinh tế mà còn trên phương diện xã hội – bạn sẽ cần phải có khả năng học hỏi và cải thiện bản thân liên tục, ngay cả ở độ tuổi 50.
Lời khuyên tốt nhất tôi có thể dành cho 1 đứa trẻ 15 tuổi là: không dựa dẫm vào người lớn quá nhiều. Hầu hết họ đều có ý tốt, nhưng họ không hiểu rõ thế giới hiện đại – kiểu như ông bà mình hay khuyên con cháu nhưng bây giờ cuộc sống nó thay đổi hơn xưa rất nhiều.
Khi sự kỳ lạ trở thành sự bình thường, những kinh nghiệm quá khứ của bạn cũng như của nhân loại, sẽ trở thành những hướng dẫn không còn đáng tin nữa. Con người cá nhân và cả nhân loại nói chung sẽ đối mặt với những thứ chưa từng có tiền lệ, chẳng hạn như cỗ máy siêu thông minh, định hình cơ thể, thuật toán có thể thao túng cảm xúc với độ chính xác kỳ lạ, thảm họa khí hậu nhân tạo và nhu cầu thay đổi nghề nghiệp của bạn mỗi thập kỷ
Điều đúng đắn cần làm trong tình huống hoàn toàn chưa từng có trước đây là gì? Bạn làm thế nào khi bản thân bị ngập lụt trong một lượng lớn thông tin và hoàn toàn không có cách nào bạn có thể hấp thu và phân tích tất cả? Làm thế nào để bạn sống trong một thế giới mà sự không ổn định sâu sắc không phải là một lỗi (bug) mà là một tính năng (feature)?
Thế kỉ 21 chúng ta ngập lụt trong khối lượng đồ sộ của thông tin, và những người kiểm duyệt còn chẳng buồn chặn bớt. Thay vào đó, họ bận rộn truyền bá thông tin sai lệch hoặc làm sao nhãng chúng ta với những điều chẳng liên quan. Không chính phủ nào có thể mong bưng bít hoàn toàn thông tin mà họ không muốn tiết lộ.
Mặt khác, thật đáng báo động khi những tin tức trái ngược và tin đồn sai lầm dễ dàng được truyền đi trong công chúng. 

Để tồn tại và phát triển trong một thế giới như vậy, bạn sẽ cần rất nhiều sự linh hoạt về tinh thần và cân bằng tình cảm.
Thật không may, giáo viên thường thiếu sự linh hoạt về tinh thần mà thế kỷ 21 yêu cầu vì họ là sản phẩm của hệ thống giáo dục cũ. Việc dạy bọn trẻ cách tiếp nhận cái chưa biết là cực kỳ khó gần như là bất khả thi.
Trong quá khứ, khá an toàn khi noi theo người lớn tuổi, bởi vì họ khá hiểu mọi thứ xung quanh và thế giới thay đổi chậm. Nhưng thế kỷ 21 sẽ khác đi. Bởi vì tốc độ thay đổi ngày càng tăng, bạn không bao giờ có thể chắc chắn liệu những gì người lớn đang nói với bạn là hiểu biết vượt thời gian hay là thành kiến lỗi thời.
Vậy rồi, ta có thể dựa vào gì đây? Có lẽ là công nghệ chăng? Đó là một canh bạc thậm chí còn nguy hiểm hơn. Công nghệ có thể giúp bạn rất nhiều, nhưng nếu công nghệ đạt được quá nhiều quyền lực trong cuộc sống của bạn, bạn có thể trở thành con tin của nó. Hàng ngàn năm trước, con người đã phát minh ra nông nghiệp, nhưng kĩ thuật này chỉ làm giàu một tầng lớp rất nhỏ trong khi biến phần đông nhân loại thành nô lệ. Hầu hết mọi người làm việc từ bình minh cho đến khi hoàng hôn, tuốt cỏ dại, gánh nước, và thu hoạch ngô dưới ánh nắng gay gắt. Chuyện này cũng có thể xảy ra với bạn. 
Nếu bạn biết những gì bạn muốn trong cuộc sống, công nghệ có thể giúp bạn có được nó. Nhưng nếu bạn không biết bạn muốn gì, sẽ rất dễ dàng để công nghệ giúp bạn định hướng mục tiêu của đời mình và chiếm quyền kiểm soát cuộc đời của bạn. Đặc biệt là khi công nghệ hiểu rõ hơn về con người, bạn có thể ngày càng thấy mình phục vụ nó, thay vì nó phục vụ bạn. Bạn đã thấy những thây ma đi lang thang trên đường phố với khuôn mặt của họ dán mắt vào điện thoại thông minh của họ? Bạn có nghĩ rằng họ kiểm soát công nghệ, hay công nghệ kiểm soát họ?
Hầu hết mọi người không hiểu hết chính mình, và khi họ cố gắng “lắng nghe bản thân” họ dễ dàng trở thành con mồi trước những tác động bên ngoài. Giọng nói mà chúng ta nghe thấy bên trong đầu chúng ta không bao giờ đáng tin cậy bởi vì nó luôn phản ánh: những tuyên truyền của nhà nước, tẩy não ý thức hệ, và quảng cáo thương mại, chưa kể đến những hormone sinh học.
Trong hàng ngàn năm, các nhà triết học và tiên tri đã thúc giục mọi người hiểu chính họ. Nhưng trong thế kỷ 21, lời khuyên này lại càng cấp bách hơn, bởi vì không giống như trong thời đại của Lão Tử hay Socrates, hiện tại bạn đang ở trong một cuộc đua nghiêm trọng. Coca-Cola, Amazon, Baidu và chính phủ đều chạy đua để xâm nhập vào bạn.
Không phải điện thoại thông minh của bạn, không phải máy tính của bạn, không phải tài khoản ngân hàng của bạn; họ đang ở trong một cuộc đua để hack bạn và hệ điều hành hữu cơ của bạn. Bạn có thể đã nghe nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại máy tính bị hack, nhưng đó chưa phải là một nửa sự thật. Trong thực tế, chúng ta đang sống trong thời đại mà con người bị hack.
Các thuật toán đang theo dõi bạn ngay lúc này. Chúng đang xem bạn đi đâu, bạn mua gì, bạn gặp ai. Chẳng bao lâu chúng sẽ theo dõi tất cả các bước đi của bạn, tất cả hơi thở của bạn, tất cả nhịp tim của bạn. Chúng đang dựa vào Big Data và tự học để hiểu bạn tốt hơn và tốt hơn nữa. Nếu các thuật toán thực sự hiểu được những xảy ra bên trong bạn tốt hơn bạn hiểu bản thân mình, thẩm quyền sẽ chuyển về phía chúng.
Tất nhiên, bạn có thể hoàn toàn vui vẻ nhượng lại tất cả cho các thuật toán và tin tưởng chúng quyết định mọi thứ cho bạn và cả phần còn lại của thế giới. Nếu vậy, chỉ cần thư giãn và tận hưởng chuyến đi. Bạn không cần phải làm gì với nó. Các thuật toán sẽ chăm sóc mọi thứ.
Tuy nhiên, nếu bạn còn muốn giữ lại một phần nào quyền kiểm soát sự tồn tại cá nhân và tương lai của cuộc sống, bạn phải chạy nhanh hơn các thuật toán, nhanh hơn Amazon và chính phủ, và hiểu rõ bản thân mình trước họ. Để chạy nhanh, đừng mang theo nhiều hành lý. Để lại tất cả ảo tưởng của bạn đằng sau. Chúng rất nặng!!!
Trích từ cuốn “21 lessons for the 21st century”

Nguyễn Trãi lấy thiện nghĩa, chí nhân để diệt hung tàn




Con người Nguyễn Trãi là sự hoà trộn của Nho giáo, Phật Giáo và Đạo giáo
Trong tác phẩm “Bình Ngô Đại Cáo” bất hủ của mình, Nguyễn Trãi viết:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”

Có thể thấy tinh thần nhân nghĩa, lấy thiện nghĩa, chí nhân để diệt hung tàn, trấn áp cường bạo là tư tưởng chủ đạo của cả một đời Nguyễn Trãi. Bậc chính nhân, quân tử luôn lấy thiện đãi người, dùng khoan dung, độ lượng cải biến nhân tâm.

Nguyễn Trãi lấy 3 tấc lưỡi của mình mà khiến hàng vạn quân giặc phải cởi giáp quy hàng, tâm phục khẩu phục, dùng một ngọn bút lông mà cương nghị, sắc sảo chẳng kém gì kiếm đao. Khí chất ấy người phàm thực không dễ có được vậy.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư“, cuối năm 1427, quân Lam Sơn giành được thế chủ động, bao vây chặt 8 vạn quân Minh ở Đông Quan. Các tướng sĩ đều muốn đánh lấy Đông Quan, dùng máu quân Minh để rửa nhục, báo thù cho bách tính vô tội từng chết trong tay quân giặc. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi đã cân nhắc đến an nguy của bách tính, phân tích chỗ mạnh yếu của quân địch và khuyên Lê Lợi nghị hòa, cho đối phương một con đường sống. Theo ông, đánh thành để trả thù vào lúc đó không phải là việc khó khăn nhưng sẽ khiến nhiều người thiệt mạng, đôi bên cùng tổn thương, ngọc đá đều nát.


Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Khoa học và Phật giáo



Khoa học và Phật giáo
Người ta thường cho rằng tôn giáo đối lập với khoa học. Thực tế cho thấy giữa tôn giáo với giới khoa học, giới trí thức có tồn tại một mối quan hệ khó hiểu rất đáng quan tâm.

Mối quan hệ ấy được Einstein diễn tả trong câu: “Khoa học không có tôn giáo thì khập khiễng, tôn giáo không có khoa học thì mù quáng” [Science without religion is lame, religion without science is blind]. Einstein là người Do Thái nhưng thừa nhận Chúa Jesus và đánh giá rất cao đạo Phật. Ông nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như đi xa hơn khoa học”, “Phật giáo bắt đầu tại nơi khoa học kết thúc” [“If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science”, “Buddhism begins where Science ends”].

Xưa nay, trên thế giới từng có những nhà trí thức sau khi đạt tới đỉnh cao sự nghiệp lại gắn cuộc đời mình vào một niềm tin tôn giáo.

Phải chăng giữa trí thức với tôn giáo có một cánh cửa thần bí thông với nhau và một số nhà trí thức khi lên tới tầng cao nào đó sẽ mở cánh cửa ấy để bước sang một cõi nhân sinh mới?

Nghệ sĩ Trung Quốc Lý Thúc Đồng (1880-1942) là một trong những người như vậy. Ông là đại diện ưu tú kết hợp văn hóa truyền thống Trung Quốc với văn hóa Phật giáo, vị cao tăng xuất sắc nhất trong Phật giáo Trung Quốc hiện đại, ngọn cờ đầu phong trào Văn Hóa Mới ở nước này.

Lý Thúc Đồng là bậc đa tài, kỳ tài, kết hợp các tài năng âm nhạc, hội họa, thư pháp, nghệ thuật sân khấu, giáo dục mỹ thuật, là người đầu tiên đưa vào Trung Quốc các yếu tố văn hóa phương Tây như hội họa sơn dầu, đàn piano và kịch nói. Sau khi quy y, Lý tiếp tục đạt được những thành tựu xuất sắc về nghiên cứu Phật giáo, trở thành một trong bốn Đại Cao tăng thời Trung Hoa Dân quốc. Lý sau khi đạt tới đỉnh cao sự nghiệp mới đi tu.

Năm 26 tuổi, Lý Thúc Đồng đưa vợ con về quê rồi đi du học. Trong sáu năm ở Nhật, ông say sưa học tập, sáng tác, hoạt động xã hội, biên tập tạp chí âm nhạc, học Khoa Sơn dầu Trường Mỹ thuật Tokyo, lập đoàn kịch nói đầu tiên của Trung Quốc và diễn các vở “Trà Hoa Nữ”, “Túp lều bác Tôm” v.v... 31 tuổi, ông về nước cùng vợ mới là cô gái Nhật từng làm người mẫu khỏa thân cho ông. Tiếp đó ông hoạt động văn học-nghệ thuật và dạy học tại một số trường cao đẳng, trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc.

Năm 38 tuổi Lý Thúc Đồng bí mật thụ lễ quy y Phật giáo tại chùa Hổ Bão ở Hàng Châu, lấy hiệu Hoằng Nhất. Trước khi xuất gia, Lý Thúc Đồng viết một bức thư cho bà vợ người Nhật như sau (tóm dịch):
Em:
Lần trước đã nói với em rồi, chắc em đã hiểu, xuất gia chỉ là chuyện sớm muộn với anh mà thôi. Thời gian qua em đã suy nghĩ và thông cảm với quyết định của anh rồi chứ? Nếu đồng ý anh làm thế thì hãy viết thư cho anh biết nhé.
Anh hiểu nỗi lòng đau khổ và tuyệt vọng của em, khi em buộc phải chấp nhận mất đi một người từng có mối quan hệ cực kỳ sâu sắc với mình. Nhưng em là một người không tầm thường. Xin em hãy nuốt ngụm rượu đắng này rồi cố gắng sống cuộc đời của mình...
Quyết định như vậy không phải là anh cạn tình bạc nghĩa. Nhưng vì để đi hết chặng đường Phật đạo xa xôi, gian nan, anh phải bỏ lại tất cả. Anh bỏ lại em, cũng bỏ lại tiếng tăm và của cải tích lũy được trong đời mình. Những thứ đó đều là mây khói thoảng qua, chẳng đáng để luyến tiếc.
Cái chúng ta cần xây dựng là nước Phật sáng láng trong tương lai, trên mảnh đất Tây Thiên cực lạc. Chúng mình sẽ gặp lại nhau ở nơi ấy nhé...
Thúc Đồng. Ngày 1 tháng 7 năm Mậu Ngọ
.”


Hai bà vợ vô cùng đau khổ tìm đến khuyên ông trở về gia đình, nhưng ông không nghe. Bà vợ Nhật bỏ đi mất tăm còn bà vợ đầu mang các con về quê.

Một nghệ sĩ tài ba, phong lưu công tử, một trí thức lừng danh như Lý Thúc Đồng vì sao cuối cùng lại xuất gia? Hãy nghe giải thích của Phong Tử Khải (1898-1975), một trí thức Trung Quốc nổi tiếng cuối đời cũng tu tại gia, học trò của Lý Thúc Đồng.

Đời người có thể ví như một tòa nhà ba tầng: tầng thứ nhất là đời sống vật chất, tầng thứ hai là đời sống tinh thần, tầng thứ ba là đời sống linh hồn. Đời sống vật chất là ăn mặc ở. Đời sống tinh thần là hoạt động học thuật, văn học-nghệ thuật. Đời sống linh hồn là tôn giáo.
Ai lười hoặc không đủ sức leo cầu thang thì ở tầng trệt, chỉ lo sao cho cuộc sống vật chất được đầy đủ thì thỏa mãn. Phần lớn người đời có nhân sinh quan như vậy. Những người có hứng thú hoặc có đủ sức leo cầu thang thì lên tầng hai chơi hoặc ở hẳn. Đó là những người chuyên làm học thuật, văn học-nghệ thuật, dâng đời mình cho việc nghiên cứu, sáng tác và thưởng thức văn học-nghệ thuật. Số này khá nhiều, được gọi là “nhà trí thức”, “nghệ sĩ”, “học giả”.

Còn một loại người nữa có ham muốn mạnh mẽ và sức lực kiên cường, không thỏa mãn sống ở tầng hai mà tiếp tục leo lên tầng ba. Đó là những tín đồ tôn giáo. Họ không thỏa mãn với ham muốn vật chất cũng như ham muốn tinh thần mà quyết đi tìm bằng được ngọn nguồn tận cùng của đời người. Họ cho rằng của cải vật chất cùng con cháu đều là thứ ở bên ngoài thân xác, học thuật và văn học-nghệ thuật chỉ là những cảnh đẹp tạm thời, ngay cả thân xác mình cũng chỉ là thứ tồn tại hư ảo. Họ không chịu làm kẻ nô lệ cho bản năng mà phải tìm kiếm nguồn gốc của linh hồn, căn bản của vũ trụ. Có thế mới thỏa mãn cái ham muốn sống của họ.

Có người đi thẳng từ tầng trệt lên tầng trên cùng mà không dừng lại tầng hai. Riêng Lý Thúc Đồng đi lên từng tầng một. Ông có ham muốn sống cực kỳ mạnh mẽ, làm việc gì cũng rốt ráo đến nơi đến chốn. Thời trẻ ông tận hiếu với mẹ, hết lòng yêu thương vợ con. Ở tuổi trung niên, ông dốc sức nghiên cứu nghệ thuật, phát huy thiên tài trên nhiều mặt. Nhưng vì ham muốn sống quá mạnh nên ông không thỏa mãn với cuộc sống ở tầng hai. Và thế là Lý Thúc Đồng đi lên tầng cao nhất, trở thành nhà sư Hoằng Nhất tu Tịnh Độ Tông, nghiên cứu các giới luật, trở thành bậc cao tăng hiếm thấy, được thế gian ngưỡng mộ truyền tụng.

Điểm cao nhất của cầu thang tầng hai là tầng ba. Đỉnh cao nhất của nghệ thuật thì gần gũi với tôn giáo. Từ nghệ thuật thăng hoa đến tôn giáo – dường như đó là việc mà những nhà trí thức, nghệ sĩ lớn như Lý Thúc Đồng dĩ nhiên sẽ làm, không có gì lạ.