Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Giáo dục Việt Nam theo khuynh hướng nào ?


Giáo dục VN sẽ chọn con đường nào trong tương lai?
Khuynh hướng thứ nhất: nền giáo dục cần trang bị cho người học một lượng kiến thức càng nhiều càng tốt để họ có thể có một nền tảng vững chãi khi ra trường.
Khuynh hướng thứ hai: cho rằng nền giáo dục nên nhấn mạnh đến kỹ năng xử lý vấn đề đặt ra trong cuộc sống hơn là tập trung vào việc làm đầy kiến thức đã có sẵn.
Giáo dục Việt Nam theo khuynh hướng nào ?
Nền giáo dục hiện thời của chúng ta là con đẻ của khuynh hướng thứ nhất.
Nó có cội nguồn lâu đời từ việc sĩ tử phải thuộc làu làu Tứ Thư, Ngũ Kinh. Những gì được thánh hiền dạy là chân lý và người học chỉ có mỗi việc hiểu và vận dụng cho hay cho đúng (chứ ít nói đến tính sáng tạo) những điều vốn được xem là chân lý phổ quát trên.
Tinh thần giáo dục ấy, trải qua hàng mấy ngàn năm, dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người kể cả những người làm công tác giáo dục lẫn những người "sống ở ngoại ô" của giáo dục. Mục đích của Nho giáo đã có mầm mống của sự bảo thủ: Khổng Tử mơ ước quay trở lại thời thịnh trị Thuấn, Nghiêu vốn là chế độ nông nô đã bị lịch sử bước qua.
Từ thế kỷ XIX, Cao Bá Quát đã chua chát: 
"Tân Gia từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la
Giật mình khi ở xó nhà
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi" (Bản dịch của Trúc Khê)
Dân chủ và cởi mở trong giáo dục
...Và những hệ luỵ
Có thể nhận diện một cách rất cụ thể những hệ lụy của lối giáo dục này trong thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay thông qua một số ví dụ sau.
Ví dụ thứ nhất: Vì sao học sinh của chúng ta rất kém môn lịch sử 
Lỗi nằm ngay ở chỗ chúng ta đã sai lầm từ đầu trong cách xây dựng chương trình sách giáo khoa quá chú trọng đến các sự kiện, ngày tháng, con số.
Nhà trường đã bắt học sinh cố nhồi nhét những kiến thức khô khan và rất dễ quên ấy vào đầu mặc dù ngay cả bản thân thầy cô cũng không mấy ai nhớ cho kỹ càng nếu không đọc bài trước khi lên lớp.
Ví dụ thứ hai: Vì sao một tỉ lệ lớn sinh viên ngoại ngữ của chúng ta ra trường “vừa câm vừa điếc ngoại ngữ”?
Chương trình quá nặng nề về lý thuyết, về ngữ pháp mà không hoặc chưa chú ý thỏa đáng đến kỹ năng giao tiếp của sinh viên. Chỉ có những sinh viên nào năng động, chịu khó lăn vào cuộc sống để học thì khả năng giao tiếp của họ mới phát triển.
Ví dụ thứ ba: Các sinh viên y khoa năm cuối của Pháp và Đức. So với sinh viên Việt Nam thì kỹ năng lâm sàng của họ kém hơn nhiều.
Nhưng chỉ một năm sau khi họ vào chuyên khoa thì khả năng đối mặt với các tình huống lâm sàng của họ đã tiến bộ với một tốc độ chóng mặt.
Đó là do họ tạo cho sinh viên cách đánh giá, phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề, cách tìm tài liệu cũng như cách tự học. Thẩm thấu theo cách này, kiến thức mới và cũ sẽ liên kết với nhau một cách logic và hữu cơ hơn rất nhiều cách học trả bài của chúng ta.

Một ví dụ thứ tư: Vì sao sinh viên công nghệ thông tin của Việt Nam đã lạc hậu ngay từ khi rời cổng trường đại học? Công nghệ thông tin có những bước tiến chóng mặt, những gì học được trước đây một năm, một tháng, thậm chí một ngày đã hoàn toàn có thể trở thành lạc hậu. Nhưng tại sao những nước tiên tiến khác, sinh viên công nghệ thông tin ra trường lại có thể bắt nhịp ngay vào môi trường công việc mới?
Đó chính là sự khác biệt của hai tinh thần triết lý giáo dục. Nếu chúng ta chỉ chú trọng vào kiến thức thì kiến thức sẽ nhanh chóng bị lỗi thời. Nếu chúng ta chú trọng đến kỹ năng xử lý vấn đề thì với những kiến thức cơ bản của trường đại học, sinh viên ra trường có thể nhanh chóng nắm bắt được vấn đề mới nhanh chóng hơn, giảm thiểu nguy cơ tụt hậu.



Theo:  Daikynguyenvn.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét