Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Phụ nữ có 3 thứ càng “nhỏ”, cuộc sống càng viên mãn

 

PHỤ NỮ CÓ 3 THỨ CÀNG “NHỎ”, CUỘC SỐNG CÀNG VIÊN MÃN

Có một kiểu người phụ nữ, diện mạo của họ rất bình thường, ăn mặc không được xem là cao cấp, trong đám đông thì họ không hề nổi bật. Nhưng khi tiếp xúc nhiều, họ sẽ khiến mọi người xung quanh cảm thấy thoải mái.

Cũng có một kiểu người phụ nữ, họ trông cũng rất giản dị, không có điểm gì nổi bật. Nhưng sau khi tiếp xúc nhiều, mọi người xung quanh đều cảm thấy khó chịu.

Cùng là phụ nữ, nhưng có người luôn khiến người khác muốn đến gần, cũng có người lại chỉ khiến người khác muốn rời xa. Sự khác biệt này, rất có thể liên quan đến 3 thứ này của phụ nữ.

Người phụ nữ khiến người khác thoải mái, dễ chịu thường có 3 thứ này rất “nhỏ”. Còn những người phụ nữ không được chào đón, 3 thứ này của họ lại rất “to”.

* Đa nghi “nhỏ” Người phụ nữ có tính đa nghi “nhỏ” là người chân thành, thẳng thắn, không thích vòng vo và cư xử hòa hợp với mọi người xung quanh.

Người có tâm nghi ngờ càng lớn, suy nghĩ càng “nặng nề”. Chỉ cần tiếp xúc với bất cứ ai, họ sẽ luôn chi li tính toán, đoán già đoán non, sản sinh ra tâm nghi ngờ. Giữa các mối quan hệ, càng giấu kín tâm tư thì càng không thể dung hòa với nhau được.

Một người có “lòng dạ” hẹp hỏi, hoài nghi này nọ thì cuộc sống của họ càng mệt mỏi, suốt ngày cứ đa nghi như Tào Tháo, mưu đồ toan tính, luôn nghi ngờ người khác có ý định gì xấu với mình.

Người phụ nữ càng ít nghi ngờ, thì “lòng dạ” của họ càng rộng lớn, phúc khí sẽ nhiều. Kết giao và gần gũi với những kiểu người phụ nữ như vậy sẽ khiến cho chúng ta có cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn.

* Tâm so đo “nhỏ” Chu Quốc Bình từng nói: “Người càng có trí huệ thì càng không tranh đua, không tính toán thiệt hơn”.

Có một số kiểu người phụ nữ trong cuộc sống, rất thiếu trí huệ ở phương diện này. Trong cuộc sống luôn không ngừng so đo tính toán, cạnh tranh với những người xung quanh, điều này khiến chính bản thân và những người tiếp xúc với họ cảm thấy mệt mỏi.

So sánh một cách mù quáng với người khác chỉ khiến bản thân thêm đau đớn và phiền não. Bạn càng có tâm ganh ghét, đố kị như vậy, bạn càng ít có khả năng hòa hợp với những người xung quanh.

Ngược lại, người phụ nữ có tâm so đo nhỏ, họ sẽ không quan tâm đến cuộc sống của người khác, họ sẽ tập trung hoàn thiện chính bản thân mình, luôn mong những điều tốt đẹp nhất đến với mọi người.

Sống là sống cho chính cuộc sống của bản thân, chứ không phải sống vì người khác. Người phụ nữ có tâm so đo “nhỏ” sẽ khiến cho những người xung quanh quý mến, dễ nhận được sự chào đón của mọi người, bởi vậy, phúc khí càng dồi dào hơn.

* Cái tôi “nhỏ” Người phụ nữ có “cái tôi” nhỏ, không phải là họ mềm yếu, bởi vì họ biết rằng, bất luận là mối quan hệ gì, đều cần dịu dàng một chút, như vậy sẽ tốt hơn.

Đàn ông thường chán nản trước những kiểu phụ nữ có cái tôi quá lớn, dù cho bạn có xinh đẹp, tài giỏi đến đâu mà lúc nào ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, luôn cao ngạo và đề cao cái tôi, thì sớm muộn anh ấy cũng sẽ rời bỏ bạn.

Đàn ông luôn có sự tự tôn cao, tất nhiên anh ấy không hề muốn người phụ nữ mình yêu chuyện gì cũng muốn lấn lướt mình. Là phụ nữ khôn ngoan cần phải biết khéo léo hạ “cái tôi” của mình xuống.

Một người có “cái tôi” nhỏ thì thường không dễ nổi nóng, không thích gây sự với người khác, điều này không chỉ khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc mà còn khiến những người xung quanh cảm thấy hạnh phúc.

Ngược lại, những người “cái tôi” lớn, hay nổi nóng, thích giễu cợt người khác, không những cản trở con đường của bản thân mà còn khiến những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi, chán ghét.

Người phụ nữ “cái tôi” càng nhỏ, người khác sẽ dễ hòa đồng với họ hơn, nếu ai đó có gì đó trong lòng, người khác sẽ nguyện ý thổ lộ với họ hơn.

Thiên tính của người phụ nữ là dịu dàng và thiện lương, một người phụ nữ có tâm nghi ngờ, tâm so đo và cái tôi “nhỏ”, sẽ khiến mọi người xung quanh quý mến, phúc khí dày sâu và cuộc sống hôn nhân viên mãn.

 

Bài học từ người Thầy dạy võ

 

BÀI HỌC TỪ NGƯỜI THẦY DẠY VÕ

“Phần lớn hạnh phúc hay bất hạnh được quyết định bởi tính cách của bạn chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh” - Martha Washington

Một cậu bé 10 tuổi quyết định học môn võ judo cho dù cánh tay trái của cậu đã mất trong một tai nạn xe hơi. Cậu theo học judo với một võ sư Nhật.

Vì tin rằng mình đã học tập rất chuyên cần và tiến bộ nên cậu vô cùng thắc mắc tại sao sau ba tháng tập luyện mà thầy chỉ dạy cho mình mỗi một thế võ duy nhất.

Cuối cùng, không kiên nhẫn nổi nữa, cậu bé hỏi thầy:

- Thưa thầy, chẳng lẽ con không thể học được các thế võ khác sao?

Ông trả lời:
- Đây là thế võ duy nhất thầy dạy con, cũng chính là thế võ duy nhất mà con cần phải học.

Tuy không hiểu hết lời thầy nhưng tin tưởng ở thầy, cậu bé tiếp tục tập luyện.

Nhiều tháng sau, lão sư phụ dẫn cậu đến tham dự một cuộc thi judo. Cậu bé rất ngạc nhiên khi thấy mình thắng dễ dàng trong hai trận đầu.
Trận thứ ba khó khăn hơn nhưng sau một hồi, đối phương mất kiên nhẫn trong các đòn tấn công, cậu bé đã khéo léo sử dụng thế võ và chiến thắng. Vẫn chưa hết ngạc nhiên vì thành công của mình, cậu tự tin bước vào trận chung kết.

Lần này, đối thủ của cậu là một võ sinh cao lớn, to khỏe và dày dặn kinh nghiệm hơn. Vào trận không lâu, cậu bé đã liên tiếp trúng đòn và hoàn toàn bị đối phương áp đảo. Hết hiệp đầu, sợ cậu bé bị thương, trọng tài ra hiệu kết thúc trận đấu sớm nhưng người thầy của cậu không đồng ý:

Cứ để cậu bé tiếp tục. - Võ sư yêu cầu.

Ngay sau khi trận đấu bắt đầu lại, đối phương phạm phải sai lầm nghiêm trọng: anh ta coi thường đối thủ và mất cảnh giác. Ngay lập tức cậu bé dùng thế võ duy nhất của mình quật ngã đối phương và khóa chặt anh ta trên sàn.

Cậu bé đã đoạt chức vô địch.

Trên đường về, hai thầy trò ôn lại các thế đánh trong từng trận đấu.Lúc này cậu bé mới thu hết can đảm nói ra cái điều ám ảnh trong đầu mình bấy lâu nay:

- Thưa thầy, làm sao con có thể trở thành vô địch chỉ với một thế võ như thế?

Con chiến thắng vì hai lý do. Người thầy trả lời.

- Lý do thứ nhất con gần như đã làm chủ được một trong những cú đánh hiểm và hiệu quả nhất của môn võ này. Lý do thứ hai, cách duy nhất mà đối thủ của con phá được thế võ đó là họ phải giữ chặt cánh tay trái của con lại
- Mà con lại không có tay trái.

Đôi khi, một điểm yếu của ai đó lại trở thành điểm mạnh vững chãi nhất của họ. Có ưu điểm là một điều tốt nhưng nếu có thể biến khuyết điểm thành lợi thế lại càng là một điều kỳ diệu hơn.

Hãy tin vào chính mình, bạn có thể làm tất cả!

“Hãy biến nghịch cảnh thành cơ hội giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp hơn.” -   Wille Jolley

 

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Những câu nói để đời về giáo dục của Herbart

 

NHỮNG CÂU NÓI ĐỂ ĐỜI VỀ GIÁO DỤC CỦA HERBART

Johann Friedrich Herbart (1776 -1841) là một triết gia, nhà tâm lý học và là người sáng lập ra nền giáo dục khoa học người Đức. Herbart đã mở rộng việc áp dụng kiến ​​thức tâm lý học vào hệ thống giáo dục trường học, và là người đầu tiên nhấn mạnh rõ ràng rằng sư phạm phải dựa trên tâm lý học.

* Đạo đức là mục đích cao nhất của loài người, cũng là mục đích cao nhất của giáo dục.

* Lựa chọn nội dung bài giảng trên lớp học bắt buộc phải thống nhất với trải nghiệm và hứng thú của con trẻ, có như vậy mới tạo được hứng thú cho chúng.

* Một nhà giáo dục chân chính nên tránh xâm phạm tính cách của học sinh càng nhiều càng tốt, thay vào đó, nên làm xuất hiện những nét đặc trưng trong tính cách ấy.

* Đối với những người lớn lên dưới áp lực của sự giám sát, sẽ không thể nào hi vọng họ đa tài đa nghệ, không thể nào hi vọng họ có khả năng sáng tạo, cũng không thể hi vọng họ có tinh thần quả cảm hay sự tự tin.

Sưu tầm