Chính sách “nhà ở trên hết” của
Phần Lan giúp người vô gia cư có một mái ấm lâu dài để nỗ lực thay đổi cuộc
đời.
Thomas Salmi từng sống
lang thang nhiều năm trên đường phố Helsinki. Ảnh: Huffington Post.
Bốn năm trước, Thomas Salmi
đắm chìm vào rượu chè để quên đi mọi thứ. Anh trở thành kẻ vô gia cư ở tuổi 21,
sống vất vưởng trên đường phố thủ đô Helsinki của Phần Lan. “Tôi lúc đó không
còn biết cảm giác về một cuộc sống bình thường. Tôi trở nên trầm cảm, hung
hăng, giận dữ và nốc rất nhiều rượu bia”. Anh uống tới gần hai lít mỗi ngày,
say bí tỉ và gây rắc rối. “Tôi từng nghĩ đi tù thì có sao đâu cơ chứ? Vào tù sẽ
không phải hứng chịu mưa tuyết và lạnh giá ngoài kia”.
Một hôm, khi Salmi đang ngủ
ở nhà ga Helsinki, một nhân viên xã hội nhìn thấy và đề nghị giúp đỡ. Salmi
được đưa tới sống ở Aurora-Tola, khu nhà ở xã hội do Viện Nữ phó tế Helsinki
(HDI) điều hành.
Giờ đây, ở tuổi 25, Salmi
sống trong căn hộ riêng, làm nghề gác cổng và đã cảm thấy ý nghĩa của cuộc đời
quay lại với mình.
Salmi là một trong rất nhiều
người được hưởng lợi từ chính sách “nhà ở trên hết” được chính phủ Phần Lan
thực hiện trong hơn một thập kỷ qua nhằm giải quyết vấn đề người vô gia cư trên
đường phố.
Ý tưởng của chương trình này
rất đơn giản. Để giải quyết vấn đề vô gia cư, bạn đầu tiên phải cho họ một ngôi
nhà, một mái ấm không kèm các điều kiện ràng buộc. Trong ngôi nhà đó, họ muốn
uống rượu hay thậm chí dùng ma túy cũng không sao. Các nhân viên hỗ trợ sẽ có
mặt để giúp họ cai nghiện, giải quyết các vấn đề về tâm lý, lấy lại cân bằng
trong cuộc sống và cung cấp các giấy tờ phúc lợi cần thiết để họ có thể tìm
được việc làm.
Các ngôi nhà như vậy ở Phần
Lan là sự pha trộn giữa căn hộ thường thấy trong cộng đồng và nhà tình thương.
Những người vô gia cư tới đây sẽ ký hợp đồng thuê nhà như bất kỳ ai khác. Họ
trả tiền thuê nhà từ tiền túi hoặc tiền trợ cấp nhận được từ nguồn ngân sách
phúc lợi tương đối hào phóng của chính phủ Phần Lan.
Bên
trong một căn hộ ở khu nhà ở xã hội Vainola. Ảnh: Huffington Post.
Chính sách này đã phát huy
hiệu quả rõ rệt. Trong khi tỷ lệ vô gia cư ở châu Âu tăng cao, những người
không nhà cửa ở Phần Lan giảm hẳn, từ 18.000 năm 1987 chỉ còn 7.112 người năm
2017, trong đó chỉ có 415 người vất vưởng trên đường phố hoặc lều tạm, số còn
lại đang sống trong nhà bạn bè hoặc người thân. Trong giai đoạn 2008-2015, số
người không có nhà ở lâu dài giảm tới 35%.
Theo phân tích từ Feantsa,
mạng lưới chuyên nghiên cứu vấn đề vô gia cư ở châu Âu, cách tiếp cận của Phần
Lan hiệu quả bởi họ không coi vô gia cư là một vấn nạn xã hội không thể tránh
khỏi bắt nguồn từ các vấn đề cá nhân, mà cho rằng đây là vấn đề về chính sách nhà
ở và là sự vi phạm quyền cơ bản của con người.
Ở các nước khác, người vô
gia cư thường sẽ được yêu cầu từ bỏ rượu chè, ma túy trước khi được nhận vào
khu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc rũ bỏ lập tức những
thói quen xấu trên đường phố để đổi lấy chỗ ngả lưng tạm thời qua đêm là điều
gần như không thể với người vô gia cư.
Trong khi đó, cách làm của
Phần Lan chạm tới những giá trị cơ bản nhất, theo đánh giá của Juha Kaakinen,
người xây dựng chính sách “nhà ở trên hết” và là CEO của tổ chức phi lợi nhuận
Y-Foundation. “Người Phần Lan cho rằng chúng ta phải giúp đỡ những người đang
gặp tình cảnh khó khăn nhất, dù lý do vô gia cư của họ là gì đi chăng nữa”, ông
nói. “Chúng tôi hiểu rất rõ rằng nguyên nhân chính của tình trạng vô gia cư chính
là các vấn đề về cấu trúc xã hội”.
Thành công của Phần Lan
trong việc giảm tỷ lệ người vô gia cư đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế
và quan chức nhiều nước thường đề nghị Kaakinen nói rõ làm cách nào Phần Lan có
thể huy động ý chí chính trị lớn như vậy của cả đất nước để giải quyết vấn đề.
Và Kaakinen trả lời rất đơn giản “Cần phải có chính trị gia nào đó có lương tri
xã hội”.
Những người vạch ra chính
sách “nhà ở trên hết” của Phần Lan cho biết việc xây dựng, cải tạo nhà và cung
cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người vô gia cư là rất tốn kém, nhưng nó cũng giúp
chính phủ tiết kiệm khoản tiền đáng kể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng một người vô
gia cư khi có chỗ ở sẽ tiết kiệm cho xã hội khoảng 17.000 USD mỗi năm, bởi họ
ít phải vào viện hay ngồi tù hơn.
Nhiều nước trên thế giới như
Đan Mạch, Canada, Australia và Mỹ cũng đã bắt đầu áp dụng chính sách “nhà ở
trên hết” như Phần Lan. Tại Mỹ, tổ chức phi chính phủ Breaking Ground đã đi
tiên phong với việc mở ra 4.000 nhà ở xã hội cho người vô gia cư ở New York và
Connecticut.
Nan Roman, CEO của tổ chức
Liên minh Quốc gia Chấm dứt Nạn vô gia cư, cho biết chính sách “nhà ở trên hết”
đang tỏ ra hiệu quả, nhưng vấn đề này ở Mỹ lớn hơn rất nhiều so với Phần Lan và
bối cảnh chính trị cũng rất khác. “Phần Lan có một mạng lưới an sinh xã hội tốt
và cam kết chính trị vững chắc để giải quyết vấn đề. Mỹ chưa có được điều đó”,
Roman nói.
Với những người như Salmi, chính
sách “nhà ở trên hết” của chính phủ Phần Lan đã thay đổi cuộc đời anh. Từ một
kẻ lang thang tuyệt vọng, anh đang nuôi ước mơ học
tuần. Anh vẫn đối mặt với
các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng không còn nghiêm trọng và thường xuyên
như trước kia, và anh không còn nghĩ về việc tự tử nữa.