Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

SINH VIÊN CHỈ NÊN TIN THẦY MỘT NỬA


SINH VIÊN CHỈ NÊN TIN THẦY MỘT NỬA

GS Hồ Ngọc Đại - nhà cải cách giáo dục tiên phong phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: QĐND)


Để việc dạy và học ở bậc ĐH không phải là “phổ thông cấp 4” như lâu nay xã hội vẫn thường phê phán thì trước hết cần phải có một tư duy “cách mạng”, dám vượt lên lối mòn của truyền thống giáo điều. Vẫn lối nói thẳng thắn đến cực đoan nhưng tâm huyết và dân chủ, GS.TS Hồ Ngọc Đại đã có cuộc trò chuyện khá thú vị với chúng tôi xung quanh vấn đề này. 

Thưa GS, ông quan niệm thế nào về thầy giáo và SVĐH?

- Một vạn ông thầy phổ thông (PT) cũng chỉ là một thôi. Đó là nền tảng vững chắc, ổn định, chênh lệch không đáng kể. Còn ở ĐH, 2 ông thầy là 2 ông thầy, không thể giống nhau được (cái khác nhau cơ bản). Cho nên, 2 SV cũng phải là 2 SV. Phải cho SV quyền "không chấp nhận" thầy.
Ông thầy ĐH, trên một nghĩa nào đó, thực sự là người bạn của SV, một người đồng nghiệp, cùng đi một đường, cùng suy nghĩ về một vấn đề. Vấn đề tôi nghĩ thế này, bạn lại có thể nghĩ khác. Người thầy trình bày suy nghĩ của mình và cho phép SV không tán thành như thế. Trên thực tế, SV làm bài khác thày thường lại bị đánh trượt?! Cán bộ giảng dạy của mình như ông giáo trường cấp ba, rất ít cán bộ có tư cách để giảng dạy ĐH đúng nghĩa. Cái khốn nạn nhất của đất nước mình hiện nay là người ta không chịu theo lấy một cái nghề đích thực là nghề, chí cốt làm nghề. Và nghề thầy giáo cũng vậy. ĐH là một nghề, SV ĐH là người đi học một nghề. SV mình đáng thương (chứ không đáng giận) ở chỗ, học chỉ cốt lấy mảnh bằng để đi làm nghề khác, biến ĐH thành một loại phổ thông về nghiệp vụ. Phải khuyến khích SV chí thú với nghề mà mình đang theo đuổi. Khi ấy, họ sẽ tự giác học tập và ông thầy sẽ chẳng là gì cả.

* Nói vậy, phải chăng cách dạy và học ở bậc ĐH hiện nay là quán tính từ phổ thông đi lên?

- Do không có ông thầy dám làm điều tôi vừa nói, còn SV thì không tự mình bứt lên được. Tôi thấy ĐH ở mình buồn cười thay, SV bị gọi là các em! Thật vớ vẩn! Đáng nhẽ, cán bộ giảng dạy, không lịch sự gọi SV là các anh các chị thì có thể gọi là các bạn. Đằng này, lúc nào cũng coi SV là bé nhỏ. Xưa, chúng tôi đi học, ngay tư thế ngồi trong lớp cũng thật đàng hoàng. Ngồi nghe xem thầy nói chỗ nào đúng, sai, luôn có sự phán đoán, suy xét. Thầy tôn trọng SV, SV cũng tôn trọng thầy như là người gợi ý, gợi mở. Tôi lên giảng đường ĐH thường không mang theo giáo án, nhưng không phải là không nghiêm túc. Quan trọng là khi nghe tôi giảng xong, SV thấy còn đọng lại trong họ cái gì. Thuyết phục người nghe bằng cái đó là chính. Đối với SV, cần khuyến khích sự chủ động của họ. Họ phải tự đánh giá mình cao hơn và đi vào nghề một cách chí thú. Học ĐH là lao động trí óc mà lao động trí óc thì phải tự tin, cởi mở...

Chúng ta có cả một hệ thống trường sư phạm, rồi các viện nghiên cứu về khoa học GD, chẳng lẽ...?

- Có nhưng không làm tí tị ti gì thay đổi cả. Học trò tôi họ bảo, bao nhiêu năm qua, từ khi em còn là SV, học thầy ấy như thế, bây giờ quay lại dự giờ, thấy cũng vẫn như thế. Tôi thì bảo, rồi đến đời con các cậu cũng vẫn thế thôi. Các viện nghiên cứu ư? Không ai có sáng kiến gì. Viện nghiên cứu thì phải là một trường phái, một phong cách chứ! Sao lại chỉ đi cóp nhặt lung tung nơi này nơi khác? Làm khoa học thì phải có được cái bản lĩnh đứng ra mà tuyên bố: tôi thách ai làm tốt hơn tôi; công trình của tôi, tôi cũng thách các anh góp ý sửa chữa mà hay hơn tôi được. Anh có tự ái cũng chịu. Vì sản phẩm của tôi cũng giống như một món hàng công nghiệp hiện đại được bày bán. Anh có thể chấp nhận nó hoặc không chấp nhận nó, chấp nhận thì mua, không thì thôi. Đấy là phong cách làm việc chuyên nghiệp, là trách nhiệm chứ không phải kiêu ngạo. Khoa học và nghệ thuật khác nhau. Không có Nguyễn Du thì không có Truyện Kiều, nhưng không có Niu-tơn này thì sẽ có Niu- tơn khác. Khoa học là cái tất yếu, phải đến, phải đi qua, không có cách nào tránh được. Ai không thấy được điều đó thì không hiểu giá trị đích thực của khoa học. Như ở trường ĐH, thầy giáo không giảng bài thì chất lượng SV mới cao được, còn cứ chăm chăm giảng bài thì chất lượng SV không thể cao.

Nghe lạ quá! Trên ông vừa bảo, thầy "chẳng là gì cả" rồi nay lại nói thầy không cần giảng bài. Thầy mà không giảng bài thì làm gì, thưa GS?

- Làm người hướng dẫn SV làm việc. Tức là tôi chuẩn bị đồ ăn, còn anh phải tự chế biến lấy thay vì thày dọn sẵn tất cả để anh chỉ còn phải làm mỗi việc là đưa thức ăn vào mồm. ĐH là khai phá, phải khác so với phổ thông - là cái nền văn minh nhân loại đã có sẵn. Học ĐH không thể theo kiểu thầy đọc trò chép nhưng SV vẫn cam chịu vì họ có lợi ích lớn hơn là mảnh bằng. Với ông thầy ĐH, SV chỉ nên tin một nửa thôi. Mà thế là nói lạc quan nhất rồi đấy. Đối với SVĐH, giá trị cơ bản là ngờ vực thầy. Khác với lớp 1, giá trị cơ bản là tin thầy. Tức thầy nói ra là chân lý, nó ổn định tâm lý trẻ con, để chúng có lòng tin vững chắc trong đời. Chúng ta nên khuyến khích SV nghe những điều thầy giảng để mà suy ra những điều có thể nghi ngờ. Còn SV mà chỉ nhớ được những lời thầy giảng thì tầm thường quá. Tôi thường nói với SV của tôi rằng: “Điều tôi nói không phải là chân lý, chỉ là những điều cá nhân tôi hấp thu được. Các bạn thấy thông cảm thì chấp nhận, không thông cảm thì các bạn nghĩ cách khác”. Thực tế bây giờ có nhiều ông thầy, chỉ hơn SV ở chỗ họ được mở sách ra, còn SV thì phải gập sách lại trình bày. (Cười lớn). Và thầy mà được SV không tin phải mừng mới là ông thầy có tư cách, cho dù ông ta có là một GS vĩ đại. Hồi tôi học ở Liên Xô, có một “ông trùm” lý thuyết sau khi trình bày trước SV đã bị một cậu SV năm thứ ba đứng lên bắt bẻ rất gay gắt mà ông chỉ ngồi lắng nghe, chẳng tỏ ra tự ái. Hỏi sao không phản ứng thì nhận được câu trả lời: - “Có gì đâu, anh ta hiểu đến đó thì anh ta nói đến đó”. Còn ở ta, trường hợp như vậy mà thầy không tự ái mới là lạ.
Xin cảm ơn GS!
Kiều Hải (Thực hiện) Nguồn: Diễn đàn sinh viên Sư phạm Đà Nẵng

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

GS HỒ NGỌC ĐẠI: Thực nghiệm là “lời thưa” của tôi với con trẻ


GS HỒ NGỌC ĐẠI:
Thực nghiệm là “lời thưa” của tôi với con trẻ
Thứ hai, 19/08/2013 - 10:42 AM (GMT+7)
    
Thực nghiệm là “lời thưa” của tôi với con trẻ
Những lời lẽ của con người “gai góc” với những phản biện từng gây sốc trong ngành giáo dục - GS Hồ Ngọc Đại - giờ đây dường như đã “mềm” hơn và mang cả chút “hàm ơn” trong đó. “Cha đẻ” của công nghệ giáo dục, còn gọi là thực nghiệm, không mang ơn cho chính mình, mà cho những đứa trẻ được ông xem là tương lai của đất nước và dành cả cuộc đời để bênh vực, bảo vệ.
ĐÃ CÓ BỘ TRƯỞNG THỰC TÂM ỦNG HỘ
Đầu tiên, xin chúc mừng GS Hồ Ngọc Đại khi cuốn sách Tiếng Việt 1 của ông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép áp dụng đại trà.
Nhắc đến điều này, tôi phải kể ra câu chuyện riêng tư giữa tôi và Bộ trưởng đương nhiệm của ngành giáo dục Phạm Vũ Luận. Cách đây hai năm, anh Luận đã bỏ tiền túi đi tàu hỏa lên Lào Cai, thuê xe ôm đi về năm trường tiểu học ở địa phương để tự tìm hiểu chương trình tiếng Việt thực nghiệm đang được giảng dạy ở đây. Sau khi tự mình mắt thấy tai nghe, Bộ trưởng đã biết rằng sách của tôi có thể triển khai đại trà được. Nhưng để chắc ăn, anh Luận đã bỏ ra 50 triệu đồng thuê luật sư tư vấn về mặt pháp lý cho mình, sau đó mới gọi tôi lên và hỏi: “Thầy ơi, em làm như thế có được không?”. Tôi trả lời Bộ trưởng bằng một câu hỏi: “Anh làm như thế mà không sợ à?”. Và Bộ trưởng trả lời tôi rằng: “Sợ thì em có sợ, nhưng Bác Hồ nói cái gì có lợi cho dân thì em làm”. Tôi đã nói với Bộ trưởng rằng anh muốn tôi làm đến đâu tôi sẽ làm đến đấy, tôi đủ sức làm cả nước cũng được, nhưng hoàn cảnh của anh thì khác.
Trước đây, quyển sách Tiếng Việt lớp 1 của tôi chỉ được áp dụng ở các tỉnh miền núi. Những đứa trẻ người dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh, cha mẹ chúng nói tiếng Kinh cũng không sõi, không học thêm ở đâu, chỉ sáu tuổi đi học, nhưng chỉ sau một năm học thì đã viết đúng chính tả và không thể tái mù.
Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép mở rộng cuốn sách về một số tỉnh đồng bằng và đạt kết quả tốt. Năm nay, Bộ trưởng đã ký quyết định chương trình SGK lớp 1 do tôi soạn sẽ là một phương án SGK của Bộ được áp dụng đại trà, nơi nào muốn dạy giáo trình nào cũng được. Hiện đã có 38 tỉnh dạy theo giáo trình của tôi.
Tự bỏ tiền túi ra “vi hành” và thuê luật sư để làm một việc không liên quan đến mình, đó quả là hành động hiếm hoi của một vị Bộ trưởng?
Đúng là rất hiếm. Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ SGK. Nhưng Bộ trưởng Luận đã dám công nhận bộ sách của tôi làm bộ sách thứ hai, đó là một người dám làm. Trước khi Bộ trưởng ký quyết định cho phép triển khai đại trà cuốn Tiếng Việt lớp 1 của tôi, anh đã đến trước bàn thờ Bác Hồ và xin phép vì thấy đây là việc có lợi cho dân. Khi nghe anh kể lại tôi cảm động lắm. Quyết định của Bộ trưởng đã coi đây như một giải pháp về SGK tiếng Việt cho toàn quốc. Và anh muốn qua thí dụ này để tìm giải pháp khác đổi mới căn bản và toàn diện cho ngành giáo dục.
Trước đây, ông đã từng từ chối chức Thứ trưởng, rồi phải chờ đợi mấy chục năm để tìm được một Bộ trưởng hiểu mình. Sao ngày đó GS không “đi đường tắt” thì có phải công nghệ giáo dục mà ông theo đuổi bấy nhiêu năm đã thành công rồi không?
Tôi đã nói thế nào cũng có một vị bộ trưởng đứng ra làm, người đó làm sẽ tốt hơn tôi, vì tôi chỉ làm chuyên môn, nếu không phải vướng vào những việc cụ thể sẽ sáng suốt hơn. Người quản lý phải tính nhiều chuyện, phải chịu thua cái này để được cái kia, phải chịu đựng và biết nhẫn nhục, mà người làm khoa học không bao giờ làm được cả.
Vậy theo GS, Bộ trưởng đương nhiệm sẽ phải làm gì để vực dậy nền giáo dục nước nhà?
Miễn là có một tấm lòng và thật bụng muốn làm giáo dục mà không phải làm chính trị để tiến thân, Bộ trưởng sẽ tự tìm ra cách.
TÔI LÀ NGƯỜI BÊNH VỰC TRẺ CON
Trong các diễn đàn về giáo dục, hình ảnh của GS luôn là một người phản biện gai góc. Ông có quan điểm như thế nào về phản biện giáo dục?
Không, tôi chỉ nói những điều có lợi cho trẻ con và đó là lợi ích của đất nước. Cách đây mấy chục năm, tôi đã nói rằng trẻ con là cứu tinh của đất nước này.
Khi đưa ra những phản biện để bảo vệ trẻ em, ông có bao giờ thấy mệt mỏi không, vì không phải bao giờ những điều ông nói cũng được lắng nghe?
Mỗi bên đều vì lợi ích của mình, họ không nghe vì lợi ích của họ, còn tôi nói là vì lợi ích của tôi, tức là vì lợi ích của trẻ con. Tôi cứ nói, lúc này họ chưa nghe thì khi khác nghe. Tôi cứ nói ri rỉ, nói ra rả, nói đi nói lại, nói cho bao giờ họ nghe thì thôi. Đất nước đã phát triển, giờ thì không phải chỉ có tôi, mà hàng nghìn, hàng vạn thế hệ những đứa trẻ học theo phương pháp của tôi đã lớn lên, và chúng nói thì mới có người nghe.
Trong số hàng nghìn hàng vạn đứa trẻ học thực nghiệm ấy có con cháu của ông không?
Tôi chỉ có duy nhất một đứa cháu nội, giờ nó đang học lớp 6 trường thực nghiệm. Nó đáng yêu lắm, hai ông cháu yêu nhau nhất đấy. Tôi nói với nó là “Một đời người lớn, hai đời trẻ con. Ông quay lại trẻ con rồi đấy!”, nó cười. Mới đây, sau khi cháu tôi vừa xem cuộc trò chuyện gần một tiếng đồng hồ của tôi trên ti-vi thì nó bảo rằng: “Ông ơi, cháu hiểu ông rồi”. Tôi hỏi: “Cháu hiểu thế nào?” thì nó nói: “Ông bênh trẻ con”. Tại sao tôi làm thực nghiệm - tức làm thử? Đó là lời thưa của tôi với trẻ con rằng thầy làm thế có đúng hay không. Em bảo được thì thầy làm, còn không được thì thầy sửa.
Nhưng GS có nghĩ rằng hệ thống trường thực nghiệm ấy dường như chưa đáp ứng đủ nhu cầu khiến phụ huynh học sinh phải đạp đổ cổng trường để mua hồ sơ? Rồi vô hình trung nó đã gây áp lực lên những đứa trẻ khi chúng phải vượt qua sát hạch với tỷ lệ chọi rất cao? Nó có đi ngược với “tuyên ngôn” của ông rằng “Học không thi cử, không chấm điểm”?
Cũng có thể. Áp lực ấy đối với riêng tôi là một sự lành mạnh, chứng tỏ tôi đã làm đúng.
BA NGÀY KHÔNG THỂ LÀM THAY VIỆC CỦA 12 NĂM
Mới đây, trong một hội thảo về đổi mới giáo dục, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đưa ra đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông nghĩ như thế nào về điều này?
Các quan điểm thi hay không thi đều được trả lời theo cảm giác hết, không dựa trên cơ sở lý luận nào cả. Giống như sản xuất hàng hóa trong nhà máy, hàng chuẩn thì mới cho ra thị trường, giáo dục cũng vậy, 12 năm trời làm không được, cuối cùng chỉ có ba ngày thi mà chính xác được à? Và bây giờ tất cả mọi người đều đi học, thi cử như thế hóa ra là may rủi sao?
Những người nông dân chắt bóp cả đời để cho con đi học trong 12 năm, cả ba họ của đứa trẻ nghìn đời nay mong có một ít chữ dắt lưng. Đánh trượt những đứa trẻ như thế để làm gì? Nếu những gì dạy ở trường mà HS tiếp thu được thì ngành giáo dục hy vọng đúng, còn nếu các em không tiếp thu được thì chắc chắn chúng ta sai. Chỉ trong ba ngày khóa cửa nhốt chặt HS để thi thì cho là nghiêm chỉnh, trong khi cuộc đời mới là sân thi cử lớn nhất và nghiêm chỉnh nhất mà mỗi đứa trẻ phải vượt qua.
Mới đây, GS cũng đã đưa ra đề xuất phân chia lại hệ thống giáo dục phổ cập xuống 11 năm?
Đúng vậy. Mặc dù rút ngắn chương trình phổ thông nhưng tôi đề nghị tăng bậc tiểu học lên sáu năm. Giữ trẻ 12 tuổi trong vòng tay gia đình và nhà trường thì sẽ an toàn hơn thả sớm một năm. Ba năm học THCS để bổ sung một số tri thức và kỹ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ biến. Hai năm học THPT cho những ai muốn học lên, vào đại học hay cao đẳng.
Một lần nữa chúc mừng GS đã đạt kết quả bước đầu và chúc ông tiếp tục thành công!
Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ SGK. Nhưng Bộ trưởng Luận đã dám công nhận bộ sách của tôi làm bộ sách thứ hai, đó là một người dám làm.
Theo báo Nhân Dân hàng tháng
HỒNG VÂN (THỰC HIỆN)

Bức thư của Thầy Văn Như Cương gửi các bậc cha mẹ học sinh



Bức thư của Thầy Văn Như Cương gửi các bậc cha mẹ học sinh
HDTC : Bức thư của Thầy Văn Như Cương gửi các bậc cha mẹ học sinh trường Lương Thế Vinh nhưng cũng nói lên những dòng tâm sự thật gần gũi với những bậc làm cha mẹ chúng ta.




04/09/2013

THƯ GỬI CÁC BẬC CHA MẸ HỌC SINH
TRƯỜNG LƯƠNG THẾ VINH
Nhân dịp đầu năm học mới, tôi xin gửi lời chào mừng tới các bậc cha mẹ học sinh trường Lương Thế Vinh. Tôi chân thành chúc các vị cùng gia đình mọi sự tốt đẹp, hạnh phúc.
Một trong những nhân tố làm nên thương hiệu Lương Thế Vinh là sự ủng hộ của các bậc phụ huynh về đường lối giáo dục nhà trường. Nhân dịp năm học mới, với tư cách Hiệu trưởng nhà trường, tôi xin gửi tới các vị phụ huynh đôi dòng tâm sự về việc dạy dỗ con em chúng ta.
1) Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ…, họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người. Một số vị khác thì ngược lại, luôn luôn buồn bực vì con, chì chiết thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vất đi, khó dạy khó bảo, rồi chẳng làm nên cơm cháo gì…

Mỗi đưa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó.
Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta.
2) Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn “được voi, đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Có thể các vị không thiếu tiền, nhưng ở đây là vấn đề giáo dục, nên có thể thừa tiền vẫn không cho. Trẻ em càng đươc nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ. Trước hết chúng phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là một động lực để thúc đẩy các con ra sức học hành.
Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém.
3) Xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kì việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử”. Con muốn giúp mẹ làm bếp thì “thôi con đi học bài đi, mẹ làm tí xong ngay”, ăn cơm xong thì “con nghỉ một lúc rồi học bài nhé, để mẹ rửa bát cho”.
Thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như : quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tuới cây nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa… Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi khinh những người lao động. Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rút ra một nhận định: Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công.
4) Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đăng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm … chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận,,, và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên.
5) Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quang mình, đang diễn ra hàng ngày…, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng. Trong tình hình hiện nay các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta… Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thể giới ảo.
6) Về việc học tập của con em, trường LTV chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ. Nhà trường bố trí và sắp xếp kế hoạch thực hiện chương trình đủ để học sinh không phải học thêm. Việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh: tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi … Học sinh Lương Thế Vinh được tuyển chọn một cách chu đáo, các em đều có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi hoặc khá. Học sinh như vậy, với đội ngũ thầy giáo có kinh nghiệm và với chương trình sắp xếp hợp lí …, chúng tôi tin rằng việc học thêm là không cần thiết.
Trên đây là một số ý kiến tâm sự muốn ngỏ cùng các vị của một người thầy giáo già luôn luôn cảm thấy hạnh phúc khi học trò của mình thành đạt.


Tôi chúc các vị và gia đình hạnh phúc!
Bài đăng trên http://luongthevinh.com.vn

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2013


Đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao 
trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2013
Olympic Toán quốc tế (IMO) 2013 là cuộc thi toán học hàng đầu quốc tế cho học sinh trung học, năm nay được tổ chức tại Santa Marta, Colombia có 547 thí sinh đến từ 103 quốc gia thi thố trong một kỳ thi 2 ngày căng thẳng.

Đội tuyển Toán Việt Nam 6 HS dự thi đều đạt huy chương : 3 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc, năm nay xếp ở vị trí thứ 7 chung cuộc (tăng 2 bậc so với năm 2012).

3 em đoạt huy chương vàng là :

Võ Anh Đức (THPT chuyên Hà Tĩnh) 34 điểm
Phạm Tuấn Huy (lớp 11 Trường THPT Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM) 33 điểm
Cấn Trần Thành Trung (THPT Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM) 31 điểm quê  Thạch Thất (Hà Nội) 



3 em đoạt huy chương bạc là :
 Đinh Lê Công (THPT chuyên đại học Vinh, Nghệ An) 30 điểm
Trần Đăng Phúc (THPT chuyên đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) 28 điểm
Hoàng Đỗ Kiên (THPT chuyên Vĩnh Phúc) 24 điểm.

Việt Nam đã tham gia IMO 37 lần (IMO 2013 là IMO thứ 54) đã có tới 26 lần đứng trong top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có thành tích cao nhất”.

Đoàn Việt Nam đạt thành tích tốt nhất tại IMO 1999  2007 (đều đứng thứ 3 toàn đoàn với 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc).

Năm 2011 đoàn Việt Nam đạt thành tích thấp nhất trong lịch sử tham dự IMO của Việt Nam (chỉ giành được 6 huy chương đồng, xếp thứ 31 toàn đoàn.)



Đề thi IMO năm 2013 được đánh giá chung là một đề thi hay, xứng tầm đề thi toán quốc tế với nhiều ý tưởng hay và mới.

Bài 1 (do Nhật Bản đề nghị) là một bài toán số học rất đẹp mà lời giải không đòi hỏi những kiến thức cao, chỉ cần xem xét các trường hợp nhỏ là tìm ra quy luật chung để giải bài toán tổng quát.

Bài 2 (do Úc đề nghị) là một bài toán tổ hợp hay. Kết quả có thể đoán ra không khó khăn, nhưng để chứng minh chặt chẽ cận trên và cận dưới, thí sinh phải có một nền tảng khá vững vàng về cả kiến thức và lý luận.

Bài 3 (Nga đề nghị) là một kết quả hình học đẹp đẽ, một tính chất độc đáo của tam giác vuông (thật kỳ lạ là cho đến thế kỷ 21, người ta vẫn còn tìm thấy những tính chất hình học đẹp đẽ như vậy).

Bài 4 (Thái Lan đề nghị) là một bài toán hình học (đây là lần đầu tiên Thái Lan có bài toán được chọn), một bài toán rất phù hợp với vị trí bài đầu tiên của ngày hai. Bài toán này có thể giải được bằng kiến thức trung học cơ sở.

Bài 5 (Bulgaria đề nghị) là một bài toán phương trình hàm, một bài toán thuần tuý kỹ thuật, các học sinh có nền tảng vững về phương trình hàm đều có thể làm được.

Bài 6 (Nga đề nghị) là một bài toán tổ hợp tuyệt hay, phát biểu rất dễ hiểu, lời giải cũng rất sơ cấp nhưng rất khó. Một số chuyên gia bình luận rằng đây là bài tổ hợp hay nhất trong mười năm gần đây.

Olympic Toán quốc tế (IMO) là cuộc thi quan trọng nhất trên thế giới trong lĩnh vực Toán dành cho học sinh cấp trung học phổ thông. Việt Nam tham dự cuộc thi từ năm 1974. Nhiều học sinh Việt Nam giành huy chương ở IMO sau này đã trở thành những nhà toán học lừng danh, tiêu biểu như giáo sư Ngô Bảo Châu.





Bảng Xếp Hạng Kết Quả Cuộc Thi Toán Học Olympiad Quốc Tế Toàn Cầu 

Thế Giới Năm 2013


Hạng 1 . Trung Hoa


5 Huy Chương Vàng , 1 Huy Chương Bạc - thí sinh Yutao Liu đạt điểm tuyệt đối 100% 
Yutao Liu 
ThumbImage7576.jpg
2. Hàn Quốc 5 vàng 1 Bạc 
Eunsoo Lee 
ThumbImage7673.jpg
3. Mỹ 4 vàng 2 bạc
Người Mỹ gốc Trung Hoa
ThumbImage7496.jpg
4. Nga 4 vàng 2 bạc
ThumbImage7582.jpg
5. Triều Tiên 2 vàng 4 bạc 
ThumbImage7805.jpg
6. Singapore 1 vàng 5 bạc
ThumbImage7497.jpg
7. Việt Nam 3 vàng 3 bạc
ThumbImage7859.jpg
8. Đài Loan 2 vàng 4 bạc
ThumbImage7458.jpg
9. Anh 2 vàng 3 bạc
Người Anh gốc Trung Hoa
ThumbImage7650.jpg
10. IRAN Ba Tư 2 vàng 3 bạc
ThumbImage7550.jpg
11. Canada 
Người Canada gốc Trung Hoa
ThumbImage7698.jpg
12. Nhật Bản 
ThumbImage7418.jpg
13. Do Thái 
ThumbImage7531.jpg
...............................

Thứ tự các đoàn trong top 10 IMO 2012 tại  Argentina 

1. Hàn Quốc: 6 HCV

2. Trung Quốc: 5 HCV + 1 HCB

3. Mỹ : 5 HCV + 1 HCB

4. Nga: 4 HCV + 2 HCB

5. Thái Lan: 3 HCV + 3 HCB

6. Canada: 3 HCV + 1 HCB + 2 HCĐ

7. Singapore: 1 HCV + 3 HCB + 2 HCĐ

8. Iran: 3 HCV + 2 HCB + 1 HCĐ

9. Việt Nam: 1 HCV + 3 HCB + 2 HCĐ

10. Romania: 2 HCV + 3 HCB + 1 HCĐ

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Tổ hội khuyến học 5 tổng kết năm học 2012 - 2013



Tổ hội 5 Chi hội Khuyến học Khu phố 2 

Phường Tăng Nhơn Phú A Quận 9  TP. Hồ Chí Minh 

phát thưởng cho các em học sinh trong Khu dân cư 

năm học 2012 -2013


Chiều Chủ nhật 28/7 tại trụ sở Khu phố 2 Tổ Khuyến học 5 đã tổ chức 
lễ phát thưởng cho 43 học sinh trong Tổ có thành tích học tập trong 
năm học 2012 - 2013

Ông Mai Xuân Quý Trưởng Tổ Khuyến học 5 báo cáo kết quả học tập 
của các em trong năm học 2012 - 2013 :

Học sinh giỏi có 35 HS,   Học sinh tiên tiến có 8 HS
Học sinh đạt thành tích cao có 4 em
Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ :

Các vị phụ huynh và HS trong khu dân cư đến dự đông đủ tại trụ sở Khu phố 2

Các em gặp nhau chuyện trò rất vui vẻ

Các tiết mục văn nghệ trước giờ khai mạc 

Ông Nguyễn Văn Cư bí thư Chi bộ, trưởng Khu phố 2 (phải) 
và các bạn trẻ trong Ban tổ chức buổi lễ 


Bà Trần Thị Kim Dung trưởng Hội Khuyến học Phường Tăng Nhơn Phú A 

Bà Nguyễn Thị Hiền Tổ dân phố 5

Ông Nguyễn Văn Cư Bí thư Chi bộ 2, trưởng Khu phố 2

Ông Đỗ Duy Thấu cán bộ khuyến học lão thành

Anh Trịnh Văn Thanh Phó Tổ Hội báo cáo chương trình buổi lễ

Các em trong Chi đoàn Thanh niên cũng đến dự lễ

Ông mai Xuân Quý Trưởng tổ Hội 5 báo cáo kết quả học tập của các em trong năm học

Bà Trần Thị Kim Dung Trưởng Hội Khuyến học Phường phát biểu trong buổi lễ

Bà Ngô Thúy Anh phát thưởng cho 2 em HS giỏi có thành tích cao

2 em Nguyễn Quỳnh Trang Anh và Nguyễn Thị Chi Giao học sinh giỏi có thành tích cao

Các em vui vẻ nhận phần thưởng học tập của Hội Khuyến học Tổ 5 tặng





Các em chụp môt số ảnh kỷ niệm
Anh Trịnh Văn Thanh và Cô Nguyễn Thị Lan Phương tổ chức các trò chơi cho các em HS


Em nào giải được một câu đố sẽ nhận một món quà 










Em tuy nhỏ hơn nhưng chẳng chịu thua các anh chị







Trước khi ra về nhớ nhận heo đất của Tổ Hội tặng về nuôi nhé !

Cẩn thận heo mà rơi thì bể liền đó !

Các em ra về vui vẻ, hẹn sang năm gặp lại


HẾT