Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Trẻ em Việt Nam không cao nổi vì học nhiều

Trong khi những vị phụ huynh “cuồng” chuyện tăng chiều cao cho con tập trung vào việc nhồi con uống sữa, bổ sung canxi thì các chuyên gia nhắc nhở rằng áp lực học hành là một nguyên nhân quan trọng khiến người Việt Nam thuộc hàng lùn nhất thế giới.

Theo số liệu của Average Height - tổ chức lưu trữ dữ liệu về chiều cao trung bình của hầu hết các quốc gia :

Chiều cao trung bình nam giới Việt Nam (1,621m) thấp thứ tư thế giới - chỉ hơn Philippines, Bolivia và nước “đội sổ” là Indonesia. Phụ nữ Việt Nam cao trung bình 1,522m, đứng thứ bảy trong danh sách lùn nhất.

Theo số liệu mà ngành y tế Việt Nam công bố, hiện chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7cm - thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, nữ là 153cm - thấp hơn chuẩn 10,7cm.

Người Việt lùn không phải do gene

Một nhóm nhà khoa học Pháp khi nghiên cứu một quần thể dân cư có cha mẹ gốc Việt, nhưng sinh trưởng ở châu Âu đã nhận thấy rằng chiều cao trung bình của họ tương đương với người gốc Pháp.

Theo TS Phạm Thị Thúy Hòa - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng. Chỉ 20% trẻ em được bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, trong khi sữa mẹ là nguồn canxi dễ hấp thu, giúp đạt chiều cao tối đa.

Tuy việc người Việt chưa có thói quen uống sữa được cho là điểm yếu về cung cấp canxi nhưng theo bà Hòa, người Việt không thiếu nguồn cung canxi mà do chính chế độ ăn bất hợp lý khiến chất này không được hấp thu hiệu quả: Trẻ em ăn không đủ dầu mỡ - chất hòa tan vitamin D, ăn quá nhiều đạm khiến một phần canxi trong cơ thể bị đẩy ra ngoài khi chuyển hóa… Đó là chưa kể trẻ em Việt rất hay mắc các bệnh nhiễm trùng nên không có cơ hội hấp thu dinh dưỡng tốt để cao lớn.

ThS-BS Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng “Học sinh tiểu học của chúng ta đang thiếu tới 50% vi chất dinh dưỡng. Khẩu phần ăn hằng ngày của người Việt - cả trẻ em và người lớn - mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu canxi”.

2/3 nguyên nhân ngoài dinh dưỡng

Theo ThS Hải, trong các yếu tố quyết định chiều cao, vai trò của dinh dưỡng chỉ chiếm 32%, di truyền chiếm 23%, vận động và các thói quen sinh hoạt (giấc ngủ) chiếm hơn 40%. Có một thực tế dễ nhận thấy là người Việt rất ít vận động thể lực - hoạt động kích thích tiết hormone tăng trưởng.

Chương trình giáo dục chỉ chú trọng bồi dưỡng kiến thức, một số trường thậm chí còn không có chỗ để trẻ chạy nhảy. Về nhà, trẻ phải học thêm hoặc mài giũa bài vở, thời gian còn lại được xem tivi, chơi điện tử cho xả stress. Trẻ bước chân ra khỏi nhà đã có xe đưa đón. Tóm lại, học sinh Việt Nam có rất ít cơ hội cho cơ xương khớp rèn luyện.

“Một nguyên nhân quan trọng khiến trẻ em Việt Nam thấp lùn chính là áp lực học hành” - BS Hải nói. “Chính vì phải học quá nhiều nên trẻ không có được chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp với quy luật sinh lý. Trẻ học khuya, ngủ ít và muộn. Trong khi đó, hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 10-12 giờ đêm khi trẻ đang ngủ say”.

PGS-TS Hòa khuyến cáo, cần tận dụng 3 giai đoạn vàng phát triển chiều cao: Thời kỳ bào thai (nhất là từ tháng thứ tư), 2 năm đầu đời và thời kỳ tiền dậy thì (9-10 tuổi với bé gái và 11-12 tuổi với bé trai). Muốn cao, không phải chỉ bổ sung canxi mà cần cung cấp đủ cả vitamin A, D3, kẽm, sắt, axít folic. Bởi tăng trưởng không chỉ liên quan đến ăn uống, cha mẹ cần thiết lập chế độ vận động, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý cho con. Trẻ cần hoạt động thể lực đủ lượng và chất, ngủ đủ và đúng với đồng hồ sinh học.

Theo Khoa học và Phát triển

Em bé người Việt trong ảnh chỉ ít hơn người bạn Pháp của mình 1 tuổi, nhưng thấp hơn đến gần 40cm. Ảnh: Loan Lê

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Ở ĐÂY THÔN VỸ GIẠ


Kể từ khi Hàn MặcTử viết bài thơ " Ở Đây thôn Vỹ GIẠ " gứi Kim Cúc đến nay đã được 77 năm...mà cái "án" văn chương này còn biết bao điều kỳ bí để người đời tốn biết bao bút mực bàn tán về Nó ? Đấy là cái duyên thơ, cái "son phấn có thần,thơ vô mệnh" cho dù người viết tặng và người được tặng đã đi vào thiên cổ nhưng Thơ thì vẫn cứ làm day dứt lòng người yêu Nó ?
Nguyên tác bài thơ là "Ở ĐÂY THÔN VỸ GIẠ" - Thi sĩ viết khi đang nằm trên giường bệnh(1939) là lúc Hàn Mặc Tử đang đau khổ lánh mình với nguồn thơ tuôn 2 dòng lệ...rồi chết sau đấy đúng 1 năm tròn ! Đây là tình yêu đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc (bút danh "Hoàng Hoa thôn nữ").
Mặc Tử sinh 22/9/1912 Nhâm tý. Kim Cúc sinh 5/12/1913 Quí sửu- trai hơn 1 đẹp đôi, nhưng Nhâm/quí thì thôi rồi...
Số là mùa hè năm 1939 Kim Cúc nể tình Người em họ ( Hoàng Ngâm- bạn thân của Mặc Tử) khuyên " Chị nên viết thư thăm Mặc Tử (mặc dù không yêu) hãy an ủi 1 tâm hồn đau khổ" thay vào viết thư, Kim Cúc đã gửi 1 bức ảnh chụp phong cảnh nhỏ vừa bằng cái Carte Visite. Trong ảnh có mây có nước,có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre ( không có cau), có cả ảnh ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước... Kim Cúc viết mấy lời thăm sức khỏe sau bức ảnh mà không ký tên, rồi nhờ Ngâm trao cho Mặc Tử.
Sau đó 1 tháng Kim Cúc nhận được 1 bì thư trong đó có bài thơ " Ở đây thôn Vỹ Giạ" cũng do Ngâm gửi về cho chị. Đây là một sự "không ngờ" về sức tưởng tượng phi thường của Thi nhân quá khác thường: đã biến bức ảnh thành hình ảnh Bến sông Thôn Vỹ Giạ lúc hừng đông hay đêm trăng, trong đó có cả Cô gái "lá trúc che ngang ..." làm người ta liên tưởng là cô gái đó mặc áo trắng vì câu "áo em trắng quá nhìn không ra" rất ảo huyền viễn mộng...

Ở ĐÂY THÔN VỸ GIẠ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?
Hàn MặcTử 11/1939


Hàn Mặc Tử (1912 – 1940)
Cảm thương về chàng Thi sĩ tài hoa từng thầm yêu trộm nhớ mình, nay đã khuất..."Hoàng Hoa thôn nữ" với bút danh Hoàng Hoa đã âm thầm sáng tác một số bài thơ, trong đó có những bài “đề tặng hương hồn anh HMT” như bài dưới đây viết vào đầu xuân Tân Tỵ 1941 - nghĩa là sau khi Hàn mất chưa đầy năm.

ĐỀ TẶNG HƯƠNG HỒN ANH HÀN MẶC TỬ
Bao năm Hoa sống nơi thôn Vỹ
Thầm giữ trong lòng một ý thơ
Cũng biết cách xa ngoài vạn dặm
Tình anh lưu luyến cảnh quê mơ
Một mình một cõi với trời mây
Với cả đau thương với hận này
Anh khéo lột hết tài nghệ sĩ
Tiếng vang muôn thuở vẫn còn đây
Hồn anh lẩn khuất ở đâu xa
Hoa biết cùng ai thổ lộ ra
Tuy sống giữa cảnh đời náo nhiệt
Tình ai ai vẫn cứ đậm đà.
Hoàng Hoa, đầu xuân Tân tỵ -1941


Nhà giáo, cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc (1913 -1989)
Năm 1992, ba cuộc hội thảo lớn được tổ chức ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm nhìn lại và đánh giá 60 năm phong trào Thơ mới. Ban tổ chức đã đề nghị các nhà thơ, nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình bỏ phiếu chọn những bài Thơ mới hay nhất. Kết quả cuối cùng, Ở đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử lọt vào “top 18”.




Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Giáo sư Hồ Ngọc Đại và những chuyện "khác người"

Mỗi lần người ta bàn cãi đến chuyện phải đổi mới giáo dục, cải cách giáo dục hay những chuyện tương tự, tôi lại nghĩ đến GS Hồ Ngọc Đại. Ông là người đã mở ra một lối giáo dục mới rất "khác người".
Khi ông lập ra Trường Thực nghiệm, có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối. Người ủng hộ coi đó là cách giáo dục hiện đại, nhưng những người phản đối lại nói rằng con người, nhất là các em nhỏ có phải là "đồ vật" đâu mà mang ra "thực nghiệm".
Tôi hỏi ông rằng phương pháp mà ông dạy học trò ở Trường Thực nghiệm, ông có dạy con mình không? Ông bảo "tất nhiên"!
"Tôi không khen, không chê, không phạt con bao giờ. Tôi dạy con là dạy theo cái tự nhiên của nó, tạo mọi điều kiện để cái tự nhiên của con mình phải là cái tự nhiên. Cái quan trọng nhất mà tôi dạy con không phải học để kiếm tiền, để làm ông này bà nọ mà để làm một con người lương thiện" - GS Hồ Ngọc Đại bảo tôi.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Tôi chợt nhớ lời dạy của Khổng Tử "Nhân chi sơ, tính bản thiện". theo lời Khổng Tử, con người khi sinh ra vốn bản tính lương thiện chăng? Hay nói cách khác, bản tính tự nhiên của con người là lương thiện? Và GS Hồ Ngọc Đại muốn để cái bản tính lương thiện này phát triển tự nhiên? Dạy con theo cách "khác người" của ông là tuyệt đối tuân theo bản tính tự nhiên tự có trong con người?!

Nghĩa là ông không hề áp đặt mà tuân thủ bản tính tự nhiên của con người, từ đó hướng cho con em mình phát triển đúng với các quy luật tự nhiên, khách quan chứ không hề theo sự chủ quan, mong muốn (dù là những mong muốn tốt đẹp nhất) của những bậc làm cha, làm mẹ. Cái "khác người" của ông về dạy con nếu hiểu thấu đáo, xem ra cũng mới mẻ và có lý đấy chứ!
Tôi đến thăm ông tại trụ sở của Trung tâm Công nghệ giáo dục do ông làm Giám đốc. Dù nghe tiếng ông đã lâu, cũng nghe nhiều đến phương pháp dạy học của ông, điều mà nhiều người cho là rất hay, cũng có người cho là "ảo tưởng". Tôi biết, Trường Thực nghiệm Giảng Võ và các phương pháp dạy học trò ở đó phần nhiều là từ ông. Ông được coi là "Cha đẻ" của "Công nghệ giáo dục". Trường Thực nghiệm Giảng Võ đã có những học sinh mà sau này trở nên nổi tiếng như GS Ngô Bảo Châu. Chẳng thế mà báo chí có lúc loan tin người ta chen nhau nộp đơn vào đây cho con học đến mức xô đổ cả cổng trường!
GS Hồ Ngọc Đại có một người con trai duy nhất tên là Hồ Thanh Bình, sinh năm 1973. Thanh Bình học luật ở Nga, rồi làm thạc sỹ, giờ đang làm tiến sỹ. Bình học giỏi nên khi tốt nghiệp đã có ba nơi xin về làm việc, nhưng Hồ Thanh Bình đã chọn Viện Khoa học Giáo dục và bây giờ Thanh Bình đang là Trưởng phòng.
Trò chuyện với tôi qua điện thoại, Hồ Thanh Bình kể rằng: "Hồi nhỏ, vào các ngày chủ nhật bố cháu thường dẫn cháu vào vườn bách thú hay công viên chơi, cháu rất thích, được tự do chạy nhảy, thăm thú trong đó, nơi mà trong trí tưởng tượng của tuổi thơ là cả một thế giới muôn màu muôn vẻ… Bố mẹ cháu luôn tôn trọng cháu, không hề áp đặt điều gì, chỉ khuyên cháu lớn lên cố gắng làm một con người lương thiện …".
GS Hồ Ngọc Đại kể, có lần vợ ông (bà Lê Tuyết Hồng, con gái thứ ba của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) bảo ông: "Nhà mình chỉ có một đứa con mà anh chẳng chịu kèm cặp gì nó cả …". Ông bảo vợ: "Tôi lo cho cả triệu học sinh chứ đâu chỉ riêng mình nó...", thế là bà giận ông tới mấy ngày.
Khi tôi hỏi ông dạy con ở nhà và dạy học trò ở trường khác nhau chỗ nào? Ông bảo: "Tôi không dạy con cái gì ở nhà cả, con tôi đến Trường Thực nghiệm học như các trẻ em khác. Học sinh ở Trường Thực nghiệm học như thế nào thì con tôi học như vậy".
Năm 1978, ông thành lập Trường Thực nghiệm. Ông nói, theo phương pháp giáo dục của ông trẻ em chỉ học một năm thôi là đọc thông viết thạo. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu lắm, ông giải thích rằng "công nghệ giáo dục" của ông ví như người công nhân làm việc trong nhà máy, làm việc trên dây chuyền sản xuất liên tục, có thể kiểm soát được sản phẩm từ đầu đến cuối… Học sinh học ở đây là tự học hết, giáo viên chỉ hướng dẫn quá trình tự học, hướng dẫn học sinh tự làm lấy bài vở… thầy không gân cổ lên giảng, học sinh không phải cố hết sức mình... Khi tôi đưa các bài toán về đại số vốn được dạy cho sinh viên đại học xuống dạy cho học sinh lớp 1, người ta bảo tôi muốn làm cho trẻ em loạn trí à? Thế mà trẻ em lớp 1 học được đấy!" - Ông hào hứng bảo tôi.
Trước đây, tôi nghĩ, có lẽ ông là con rể của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nên người ta nể ông, nếu không, phương pháp thực nghiệm, công nghệ giáo dục của ông khó mà tồn tại. Hóa ra tôi đã nhầm, càng ngày, công nghệ giáo dục mà ông khởi xướng càng trở nên cần thiết cho công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
GS Hồ Ngọc Đại sinh ở Quảng Trị nhưng quê gốc của ông là xứ Nghệ. Ông nội ông từng làm quan văn dưới thời nhà Nguyễn; bố ông là cụ Hồ Thâm theo cụ Phan Bội Châu chống Pháp, sau đó đi theo Cách mạng. Nhà ông khi xưa giàu có, nuôi nhiều cán bộ trong thời kỳ còn phải hoạt động bí mật. Năm 1968, ông sang học đại học ở Liên Xô (cũ) ngành tâm lý học.
Một trận chơi bóng đá của học sinh lớp 1 Trường Thực nghiệm.
Năm 1976, ông hoàn thành luận án Tiến sỹ khoa học "Những vấn đề tâm lý trong dạy toán hiện đại". Ông kể: "Khi tôi bảo vệ luận án Tiến sỹ trước các Viện sỹ của Viện Hàn lâm, tôi có nói "Phương pháp giáo dục của tôi có thể trao tận tay cho từng giáo viên". Sau này bà giáo hướng dẫn luận án bảo tôi: "Các Viện sỹ ở đây cũng chưa ai dám nói những câu như thế đâu, anh thật to gan…".
GS Hồ Ngọc Đại quả là "to gan" khi ông dám "Đánh cược với nền giáo dục truyền thống hiện tại". Ông cho rằng "Giáo dục không thần bí hóa bằng những lời hô hào sáng tạo suông. Học không phải để làm quan, để làm giàu mà để làm một con người bình thường… Học để làm người sống bình thường cao hơn học để làm quan… và đó là điều vĩ đại".
GS Hồ Ngọc Đại đã có nhiều câu nói nổi tiếng, nhiều phát ngôn "gây sốc" trên báo chí như: "Trẻ em là cứu tinh của dân tộc…"; "Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm"; "Tôi chịu thua tất cả chỉ để được công nghệ giáo dục …".
Tuy ông đã ở ngưỡng cửa của tuổi 80, nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công nghệ giáo dục, với sự nghiệp "trồng người" đang biến đổi từng ngày trên đất nước ta.
Ông kể rằng, hồi còn nhỏ con trai ông đã chia cả cân đường mà bố mẹ dành dụm được cả tháng cho trẻ em hàng xóm. Khi lớn lên cũng vậy, có gì cũng mang đi chia cho các bạn. Vợ ông đi nước ngoài về mua cho con một cái áo 500 đô la Mỹ, làm qùa cho con trai. "Nó thích lắm, nhưng khi các bạn đến chơi xin mặc thử, thằng bé đã vui vẻ cho cậu bạn chiếc áo ấy,  khi thấy bạn mặc vừa hơn mình. Nhà tôi xót lắm nhưng không dám nói gì, còn tôi, tôi mừng thầm vì biết con trai mình đã thực sự là người hảo tâm, lương thiện như những gì mà mình mong đợi" - ông vui vẻ kể.
Trong Ngày thơ Việt Nam tổ chức vừa rồi ở Văn Miếu, tôi thấy ông nhanh nhẹn đi lại giữa những nhà thơ, nhà văn, sôi nổi trò chuyện. Tôi biết ông là người yêu văn chương và có lẽ ông đã tìm thấy cái cốt lõi nhất là tính nhân văn trong đó để đưa vào "Công nghệ giáo dục" của ông mấy chục năm qua!
Dương Kỳ Anh
theo http://vnca.cand.com.vn/


Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Hình ảnh toàn cầu của Mỹ

Theo khảo sát của PEW kết quả người dân ở các nước đánh giá tích cực đối với Mỹ từ năm 2000 – 2015  (tính theo tỉ lệ %)
 
Đánh giá tích cực đối với Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 10 điểm phần trăm trong năm qua (từ 19% lên 29%). Và tại Lebanon, quan điểm phân chia mạnh cùng dòng tôn giáo:  55% đa số các Kitô hữu của nước này có một quan điểm tích cực đối với Mỹ, cũng như 48% người Sunni Hồi giáo. Chỉ có 3% người Lebanon Hồi giáo Shia chia sẻ quan điểm này.
Hình ảnh của Mỹ chủ yếu là tích cực giữa các nước châu Á được hỏi. đa số đặc biệt phần lớn xem Mỹ tích cực ở Philippines (92%), Hàn Quốc (84%) và Việt Nam (77%). Và sau một năm mà Tổng thống Obama thăm Ấn Độ, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Mỹ, hình ảnh của Mỹ ở nước này đã được cải thiện đáng kể, nhảy từ 55% tích cực lên 70% hiện nay.

Quan điểm tích cực đối với Mỹ đã giảm nhẹ ở Trung Quốc, từ 50% còn 44%. Pakistan là một trong những quốc gia châu Á được khảo sát, nơi một phần lớn đánh giá tiêu cực với Mỹ, mặc dù quan điểm thuận lợi có nâng lên hơn so với năm ngoái (22% hiện nay, 14% trong năm 2014).
Quan điểm tích cực đối với Mỹ vẫn cao ở Mỹ Latinh. Như tin Tổng thống Brazil Dilma Rousseff chuẩn bị thăm Hoa Kỳ, Brazin nâng lên 73% so với 65% một năm trước đây. Và mặc dù Argentina là quốc gia duy nhất được khảo sát trong khu vực nơi có ít hơn một nửa có quan điểm tích cực, xếp hạng đối với Mỹ và dù sao cũng được cải thiện đáng kể (43% hiện nay so với 36% của năm 2014).
Ngược lại ở Venezuela, nơi Tổng thống Nicolás Maduro đã tham gia hùng biện chống Mỹ trong năm qua đã có tác động nên chỉ có 51% của Venezuela đánh giá tích cực đối với Mỹ, giảm 11% so với 62% trong năm 2014. Trong giới cầm quyền ở Venezuela, có 73% phái hữu có các dấu hiệu tích cực với Mỹ, so với 44% những người phái giữa và chỉ có 21% trong phái tả.
Như phần lớn đã được các trường từ Trung tâm nghiên cứu Pew đã bắt đầu bỏ phiếu ở tiểu vùng Sahara châu Phi vào năm 2002, hình ảnh của Mỹ là tích cực trong khu vực.Trong tất cả chín quốc gia châu Phi được khảo sát, hơn bảy trên mười có ý kiến ​​tích cực đối với Mỹ, những người bày tỏ quan điểm tích cực này đã tăng lên đáng kể từ năm 2014.

Theo pewglobal.org/2015/06/23/



Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Albert Enstein bàn về giáo dục



Ngày lễ kỷ niệm nói chung là ngày chúng ta dành cho sự hồi tưởng, nhất là để tưởng niệm những nhân vật đã đạt được nhiều thành tựu đặc biệt trong việc phát triển đời sống văn hóa. 

Buổi lễ thân mật này được dành cho những người tiền nhiệm của chúng ta, ắt là không được quá sơ sài, đặc biệt là khi một kỷ niệm như vậy về quá khứ lại rất thích hợp để khơi gợi những điều tốt đẹp. 

Nhưng lễ kỷ niệm này đáng lẽ phải do một người mà cả thời thanh xuân của người ấy đã gắn bó với đất nước này và thân thuộc với cả quá khứ của nó đứng ra thực hiện, chứ không phải một người lang thang qua nhiều quốc gia và thu thập kinh nghiệm của mình trong đủ mọi thứ xứ sở khác nhau như tôi. Bởi vậy, tôi cũng không có gì nhiều để phát biểu, ngoài việc nói về những vấn đề trong quá khứ đã từng và trong tương lai sẽ tiếp tục gắn với những vấn đề của giáo dục, không phụ thuộc vào không gian và thời gian.
         

Trong khi cố gắng nói về điều này, tôi không thể đòi hỏi rằng mình phải có vị trí của một người có thẩm quyền để phát biểu, đặc biệt là thẩm quyền về trí thông minh và điều thiện- điều này nghĩa là, con người của mọi thời đại đều phải giải quyết những vấn đề của giáo dục và chắc chắn là đã lặp đi lặp lại rất rõ ràng quan điểm của họ về những vấn đề này.  Làm sao tôi, một  kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực giáo dục, có thể can đảm giải nghĩa những vấn đề mà mình chẳng có cơ sở gì ngoại trừ kinh nghiệm cá nhân và sự tin chắc của bản thân mình về những điều ấy? Nếu đó thực sự là một vấn đề khoa học, họa may người ta còn có thể im lặng trước những mối quan tâm như thế. Nhưng những vấn đề về con người thì khác. 

Giáo dục tương tự như bức tượng cẩm thạch đứng trong sa mạc và liên tục bị đe dọa chôn vùi bởi cát chảy. Luôn luôn cần có những bàn tay chăm sóc để bức tượng cẩm thạch ấy tiếp tục tỏa sáng trong ánh mặt trời. Tôi thấy mình cũng cần góp một bàn tay vào chăm sóc bức tượng ấy.

Xưa nay nhà trường bao giờ cũng là phương tiện quan trọng nhất để chuyển giao sự phong phú của truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, điều này thậm chí còn rõ ràng hơn so với các thời đại trước đây, bởi vì trong sự phát triển của đời sống kinh tế hiện đại, chức năng chuyển giao truyền thống và giáo dục của gia đình  đã suy yếu đi nhiều. Do vậy sự tiếp diễn lành mạnh của xã hội loài người vẫn phải tùy thuộc vào học đường với tầm quan trọng còn to lớn hơn cả trước đây.

Nhiều khi người ta nhìn nhận mục tiêu của nhà trường đơn giản chỉ là chuyển giao một khối lượng tối đa tri thức nào đó cho thế hệ trẻ. Điều này không đúng. Tri thức thì xơ cứng và bất động, trong lúc nhà trường phục vụ cho những con người sinh động. Nhà trường phải giúp từng cá nhân phát triển những phẩm chất và năng lực có giá trị đối với lợi ích chung của cộng đồng. Nhưng điều này không có nghĩa là cá tính sẽ bị triệt tiêu và cá nhân trở thành công cụ đơn thuần của cộng đồng như là con ong hay cái kiến. Bởi lẽ một cộng đồng gồm những thành viên bị tiêu chuẩn hóa và thiếu vắng sự độc đáo và mục đích cá nhân sẽ là một cộng đồng nghèo nàn, không có khả năng phát triển. Trái lại, mục tiêu của giáo dục phải là huấn luyện cho mọi cá nhân đạt đến hành động và suy nghĩ độc lập, đồng thời đạt đến chỗ nhận thức rõ ràng ý nghĩa quan trọng nhất trong đời sống của mình là phục vụ cộng đồng. Theo nhận xét của tôi, hệ thống trường học của người Anh đã đạt đến gần sự nhận thức về lý tưởng này hơn cả.

Nhưng làm cách nào chúng ta có thể đạt được lý tưởng ấy? Liệu có thể thực hiện được mục tiêu này bằng cách răn dạy những bài giảng đạo đức? Không thể được. Ngôn từ là – và chỉ là – những âm thanh rỗng tuếch; con đường dẫn đến diệt vong đã từng được đồng hành bởi những lời lẽ đầu môi chót lưỡi về lý tưởng. Nhưng nhân cách không hình thành từ những gì được nghe và nói, mà từ hành động và sự lao động không ngừng.

Do đó, biện pháp quan trọng nhất của giáo dục bao giờ cũng phải nhất quán với những giá trị có thể thôi thúc con người đạt được một thành tựu thực sự. Điều này đúng với việc tập làm văn của một một em học sinh tiểu học, cũng như luận văn tốt nghiệp của một vị tiến sĩ, đúng với việc học thuộc lòng một bài thơ, viết một bài tiểu luận, dịch một đoạn văn, cũng như giải một bài toán, hay tập luyện một môn thể dục thể thao.

Đằng sau mọi thành tựu luôn có một động cơ làm nền tảng, và ngược lại, động cơ ấy được nuôi dưỡng và củng cố nhờ sự hoàn tất mỹ mãn các nhiệm vụ. Ở đây, có những khác biệt to lớn, và đồng thời, những khác biệt ấy đóng một vai trò quan trọng bậc nhất đối với giá trị giáo dục của nhà trường. Động cơ đưa đến thành tựu có thể bắt nguồn từ sự sợ hãi và cưỡng bách, từ khát vọng quyền uy và danh tiếng, hay từ lòng say mê tìm hiểu, từ khao khát chân lý và tri thức, tính hiếu kỳ mà mọi đứa trẻ lành mạnh đều có, nhưng thường sớm lụi tàn.

Ảnh hưởng của giáo dục đối với học sinh thông qua việc thực hiện một nhiệm vụ có thể rất đa dạng; tùy thuộc vào sự sợ hãi hình phạt, nỗi đam mê vị kỷ, hay những khao khát khoái lạc và thỏa mãn có tồn tại đằng sau công việc mà đứa trẻ thực hiện hay không. Không ai có thể khẳng định rằng việc quản lý của nhà trường và thái độ của người thầy không tạo ra một ảnh hưởng nào đó đến việc hun đúc nền tảng tâm lý của học sinh.

Đối với tôi, điều tệ hại nhất của nhà trường chủ yếu là việc dùng sự khiếp sợ, sự cưỡng bách, và quyền hành giả tạo làm phương pháp giáo dục. Cách thức đối xử như thế sẽ hủy hoại những cảm xúc lành mạnh, lòng trung thực và tính tự tin nơi học sinh. Nó sản sinh ra loại người chỉ biết phục tòng. Không có gì ngạc nhiên khi loại trường học đó đã tạo ra nền cai trị của nước Đức và nước Nga. Tôi cho rằng trường học ở Hoa Kỳ đã tránh được điều này; cũng như ở Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác. Biện pháp để có thể giữ trường học không rơi vào tình trạng tệ hại bậc nhất trên xem ra cũng khá đơn giản. Hãy làm giảm đến mức thấp nhất các biện pháp cưỡng bách trong uy quyền của thầy cô giáo, để cho nguồn gốc duy nhất của lòng tôn sư nơi học trò là phẩm chất trí thức và nhân cách của người thầy.

Hai là, cái được gọi là động cơ, khát vọng, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn, mong muốn được thừa nhận và quan tâm, vốn sẵn có trong bản chất con người. Không có tác nhân kích thích tinh thần này, sự hợp tác của con người sẽ hoàn toàn không thể thực hiện được; nỗi ước vọng được nhìn nhận chắc chắn là một trong các mãnh lực ràng buộc quan trọng nhất của xã hội. Trong mối cảm xúc phức hợp này, hai lực lượng xây dựng và phá hủy luôn nằm kề cận bên nhau. Ước mong được tán thành và nhìn nhận là một động cơ lành mạnh, nhưng khao khát được người khác thừa nhận rằng ta là một cá thể giỏi hơn, mạnh hơn và khôn ngoan hơn những cá thể khác rất dễ dẫn đến một tâm lý vị kỷ thái quá, có thể làm tổn thương cá nhân và cộng đồng. Do đó, nhà trường và người thầy phải cảnh giác trước việc áp dụng những biện pháp dễ dãi để tạo ra tham vọng cá nhân nhằm khuyến khích tính chuyên cần của học sinh.

Lý thuyết Darwin về đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên đã được nhiều người mang ra biện giải như là một khái niệm có thẩm quyền trong việc khuyến khích tinh thần cạnh tranh. Một số người cũng bằng phương thức này đã cố gắng chứng minh một cách ngụy biện về mặt khoa học sự thiết yếu của hành động cạnh tranh kinh tế có tính chất loại bỏ lẫn nhau giữa các cá nhân. Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm, bởi vì con người có được sức mạnh trong cuộc đấu tranh sinh tồn của mình là nhờ vào một sự thật hiển nhiên rằng chúng ta là một sinh vật có đời sống hợp quần. Chỉ có rất ít cuộc giết nhau của những con kiến trong tổ là cần thiết cho sự tồn vong; và đối với từng cá nhân trong cộng đồng nhân loại thì cũng như vậy.

Vì vậy, chúng ta nên cảnh giác việc in vào tâm trí những người trẻ tuổi cái ý niệm thông thường rằng thành công là mục đích của cuộc đời; bởi vì người thành công thường là kẻ nhận được nhiều từ đồng loại của mình, và những gì anh ta nhận lại thường không tương ứng với những gì anh ta xứng đáng nhận nhờ phục vụ cộng đồng. Giá trị của một người là ở những gì người ấy đã cho đi, chứ không phải những gì người ấy có khả năng nhận được.

Động cơ quan trọng nhất trong học tập và trong đời sống chính là niềm vui có được qua công việc, sự hạnh phúc khi gặt hái thành quả và khi nhận thức giá trị của thành quả đối với cộng đồng. Trong việc khơi dậy và củng cố sức mạnh tâm lý ấy trong thanh niên, tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất là của học đường.Chỉ một nền tảng tâm lý như thế mới dẫn đến khát vọng cao thượng trong việc giành lấy những thành tựu cao cả nhất của con người, đó là tri thức và kỹ năng thẩm mỹ.

Đánh thức sức mạnh tâm lý hữu ích này chắc chắn không dễ hơn là cưỡng bách hay khơi dậy tham vọng cá nhân, nhưng lại có giá trị hơn nhiều. Vấn đề là phát triển khuynh hướng giống như trẻ con đối với các hoạt động vui chơi và khát vọng thơ ngây trong việc nhận thức, đồng thời hướng dẫn học sinh tiếp cận các lãnh vực kiến thức quan trọng của xã hội. Giáo dục chủ yếu được thiết lập dựa trên khát vọng thành công và ước muốn được thừa nhận. Nếu nhà trường đạt được hiệu quả theo quan điểm như thế, thì nó sẽ được mọi thế hệ người học tôn trọng và các bổn phận mà nhà trường giao phó cho họ sẽ được tiếp nhận như một món quà. Tôi đã biết những đứa trẻ thích được đi học hơn là nghỉ hè.

Loại nhà trường như vậy đòi hỏi người thầy phải là một nghệ sĩ trong địa hạt chuyên môn của mình. Điều gì có thể góp phần xây dựng tinh thần này trong nhà trường? Có một biện pháp chung và đơn giản cho vấn đề này, cũng như cho việc duy trì và phát triển các đức tính tốt đẹp nơi cá nhân. Tuy nhiên, có một số điều kiện cần thiết nhất định mà ta có thể đáp ứng được.

Trước hết, người thầy phải được trưởng thành trong những ngôi trường như thế. Hai là, họ phải được tự do lựa chọn kiến thức phương pháp giảng dạy. Bởi vì có một thực tế là lòng yêu nghề của người thầy sẽ bị giết chết bởi những sức mạnh áp chế từ bên ngoài.

Nếu quý vị đã chăm chú theo dõi xuyên suốt những ý tưởng của tôi đến đây, thì chắc cũng sẽ thắc mắc ở một điểm. Tôi đã phát biểu trọn vẹn, theo ý kiến riêng của mình về việc thanh niên nên được giáo dục trong một bối cảnh tinh thần như thế nào. Nhưng tôi không nói gì cả về sự lựa chọn môn học và phương pháp giảng dạy. Giáo dục nhân văn nên chiếm ưu thế, hay giáo dục khoa học và kỹ thuật?

Đối với câu hỏi này, tôi xin trả lời như sau: theo ý kiến của tôi, tất cả những gì thuộc về vấn đề này đều nằm ở tầm quan trọng thứ cấp. Nếu một chàng trai đã tập thể dục và đi bộ để rèn luyện sức chịu đựng của cơ bắp và thể chất của mình, thì tức là anh ta sẽ có đủ sức khỏe cho mọi công việc lao động chân tay. Điều này cũng tương tự với việc rèn luyện tinh thần và kỹ năng. Vì vậy, không có gì sai khi định nghĩa giáo dục như sau: “Giáo dục là những gì còn lại khi người ta đã quên hết mọi điều được học ở nhà trường”. Vì lẽ đó, tôi không lo về chuyện phải đứng về bên nào trong cuộc xung đột giữa những kẻ theo trường phái giáo dục nhân văn cổ điển và những người đề cao nền giáo dục ưu tiên cho khoa học tự nhiên.

Mặt khác, tôi muốn phản đối ý tưởng cho rằng nhà trường phải trực tiếp giảng dạy những kiến thức và đem lại những thành quả cụ thể mà người học sau đó phải lập tức sử dụng được ngay trong cuộc sống. Cuộc sống có những yêu cầu đa dạng đến nỗi việc đào tạo như thế khó lòng có thể đem lại thành công cho nhà trường. Ngoài ra, đối với tôi, hơn thế nữa, thật đáng chê trách khi xem cá nhân như là một công cụ vô tri. 

Mục tiêu của nhà trường luôn luôn phải là mang lại cho thanh niên một nhân cách hài hòa, chứ không phải chỉ giúp họ trở thành một chuyên viên. Điều này, theo tôi, trong một ý nghĩa nào đó, cũng hoàn toàn đúng đối với các trường kỹ thuật, những trường mà người học sẽ dành trọn cuộc đời mình cho một nghề nghiệp chuyên môn cụ thể. Việc phát triển khả năng tổng quát về suy nghĩ và xét đoán độc lập, luôn luôn phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải việc thu nhận những kiến thức cụ thể. Nếu một người nắm vững các yếu tố cơ bản của các môn học và biết cách tự suy nghĩ và làm việc độc lập, chắc chắn anh ta sẽ tìm được lối đi cho chính mình, và ngoài ra, sẽ có khả năng thích nghi với sự tiến bộ và những đổi thay của hoàn cảnh tốt hơn những kẻ được đào tạo chủ yếu để gom góp những kiến thức vụn vặt.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng những gì được phát biểu nơi đây, dưới một hình thức không có ý nghĩa nào khác hơn là một ý kiến cá nhân, được hình thành chỉ từ những kinh nghiệm cá nhân mà tôi đã thu thập được trong vai trò của một sinh viên và thầy giáo.

Người dịch: Phạm Thị Ly
( Một số đoạn có tham khảo bản dịch của Cao Hùng Lynh)
Nguồn: Albert Einstein, Out of My Later Years, Philosophical Library Inc., New York, 1950



Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Đi tìm lời giải bí ẩn thành công học sinh Việt

Sự kiện học sinh Việt luôn đứng đầu nước Đức trở thành “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt” làm giới nghiên cứu Đức nhiều năm nay phải “đau đầu” và loay hoay đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao có sự khác biệt thành tích học tập giữa con cái các sắc dân? Dựa trên nguyên lý nào? 
Công trình lớn gần đây nhất được trường Đại học Chemnitz thực hiện năm vừa qua, khảo cứu 720 mẫu gia đình Đức, Việt và Thổ Nhĩ Kỳ chọn lựa theo nguyên tắc ngẫu nhiên. Từ kết quả thống kê, họ đi tìm luận chứng nhưng tất cả đều mâu thuẫn với kết quả thu được.

Trước hết, đối chiếu với nguyên lý cổ điển cho rằng nguồn gốc thành công giáo dục bắt nguồn từ mô hình “nền tảng gia đình”.

Theo mô hình này, gia đình thu nhập càng lớn, quan hệ xã hội càng rộng, cha mẹ học thức càng cao, thì con cái học ở trường càng thành công. Nếu luận điểm này đúng, thì lẽ ra học sinh Việt nói chung phải như học sinh Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thực tế học sinh Việt giỏi hơn gấp 4 lần nếu căn cứ theo tỷ lệ học sinh vào trường chuyên, gấp 10 lần nếu căn cứ vào giải học bổng Hertie-Stiftung.

Sau khi nguyên lý “nền tảng gia đình” không được thực chứng, bị loại trừ, các nhà nghiên cứu lại đi tìm lời giải khác thay thế. Họ đưa ra luận đề có thể do “cách thức giáo dục”. Theo đó, gia đình nghiêm khắc, độc đoán trong giáo dục con cái, đồng nghĩa với thành công.

Nhiều kết quả khảo cứu khác cũng cho thấy giáo dục trong gia đình người Việt nghiêm khắc hơn so với Đức nên con cái họ thành công hơn là tất nhiên.

Nhưng kết quả công trình khảo cứu từng mẫu gia đình đã không xác chứng luận đề trên, không phải cứ gia đình nào càng nghiêm khắc thì con cái họ càng thành công. Mối quan hệ trên không hề mang tính nhân quả mà chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên.

Ở bình diện xét chung toàn sắc tộc, luận đề trên còn mâu thuẫn, không ít sắc tộc rất nghiêm khắc, thậm chí cực đoan như các sắc tộc theo đạo Hồi, kiểu “đặt đâu ngồi đấy”, nhưng kết quả con cái họ còn thua xa học sinh Việt.

Các nhà nghiên cứu lại đi tìm một cách giải thích khác, dựa trên luận đề Nho giáo, đặc thù người Việt. Theo Nho giáo, giá trị con người nằm ở học thức; học giỏi thì cha mẹ được vinh hiển.

Nhưng luận đề đó cũng bị thực tế bác bỏ. Cả hai nhóm nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đều đánh giá cao học đường, cho đó là nền tảng để tiến thân, danh phận trong xã hội.

Nhưng học sinh Thổ Nhĩ Kỳ thành công kém xa học sinh Việt. Ngay cả so với học sinh Trung Quốc vốn được sinh ra từ cội nguồn của Nho giáo, cũng cho kết quả tương tự, học sinh Việt vượt xa.

Thay đổi góc nhìn

Đáng tiếc mọi luận đề các nhà nghiên cứu đưa ra đều không giải đáp thỏa đáng bí ẩn thành công học sinh Việt. Rút cuộc họ đưa ra kết luận bỏ ngỏ giả định, có lẽ các công trình mới tập trung nghiên cứu vai trò cha mẹ, ít đề cập tới chính con cái, và mối quan hệ tương hỗ 2 bên.

Thay đổi góc nhìn có thể hy vọng giúp tìm được lời giải thoả đáng, như phản ứng nhanh chóng của cha mẹ người Việt trước kết quả học tập của con cái khác với các sắc tộc khác.

Trong khi cha mẹ người Đức không suy nghĩ gì khi con bị điểm kém 4 (kém nhất là 5), thì một số gia đình Việt đã bắt con học thêm khi mới chỉ được điểm khá 2, chưa đạt được điểm giỏi 1.

Mặt khác, đối với học sinh Việt, học thức còn do đòi hỏi bắt buộc của hoà nhập. Càng có học thức càng dễ giải quyết khi gặp các tình huống bất thuận khác nhau trong cuộc sống luôn có thể xảy bất cứ lúc nào đối với dân nhập cư.

Ngoài ra, bằng cấp là vé vào cửa thị trường lao động mà ở Đức điều này rất quan trọng nên người nhập cư hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Về động cơ, họ là những người luôn muốn thăng tiến, kỳ vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong nước, nếu không họ đã không rời nước ra đi. Học thức là lá bài duy nhất họ có thể xòe ra.

Tuy nhiên lý do hòa nhập vẫn bị bác bỏ, bởi nó đúng với mọi sắc dân nhập cư nên không thể dùng để lý giải riêng hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt được.

Đòi hỏi “con phải hơn hẳn bố mẹ”

Trong khi các nhà khoa học loay hoay tìm kiếm nguyên lý cực kỳ khó khăn, thì hầu hết các bậc cha mẹ Việt xem lý do thành công con cái họ rất đơn giản. Bố mẹ tạo hết mọi điều kiện cuộc sống và thời gian cho con cái không phải lo nghĩ gì tới công việc gia đình đã được cha mẹ bảo đảm chỉ với một đòi hỏi: “con phải hơn hẳn bố mẹ“.

Rõ ràng, khái niệm “giáo dục” được định nghĩa là sự tác động qua lại giữa thầy và trò trong một môi trường xã hội, kinh tế, gia đình, nhất định.
Hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt mới xuất hiện ở Đức và Mỹ, chưa xảy ra trong nước hay bình diện thế giới, thực ra không nằm ngoài nguyên lý trên.

Ngoài tố chất học sinh và thực tế gia đình họ quyết định, phải có hệ thống giáo dục thích ứng vốn đóng vai trò nền tảng trực tiếp, tức điều kiện cần, nếu không những tài năng trẻ học sinh Việt đó sẽ cũng chỉ nằm trong tiềm năng; không thể xuất hiện “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt”!
Theo Giao dục net

Ảnh : Thanh Mai, lúc 8 tuổi, nhận chứng chỉ vô địch vòng thi chung kết toán lớp 4 toàn tỉnh Unterfranken, Đức, năm 2011 (Ảnh nhân vật cung cấp)






Trạng nguyên Nguyễn Hiền hai lần đánh giặc bằng bút

Theo lời kể của ông Nguyễn Minh Nguyên, hậu duệ đồng thời là trưởng tộc chi họ Nguyễn ở quê Trạng Hiền (làng Dương A, Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định), sau khi công bố kết quả thi, Trạng Hiền mới 13 tuổi được vào cung yết kiến nhà vua.
Tại triều đình, thấy Trạng nguyên còn nhỏ quá, vua Trần Thái Tông mới hỏi: “Trạng học ai?”. Trạng trả lời: “Tâu bệ hạ, thần sinh nhi tri chi, hữu nghi tắc vấn tăng nhất nhị tự”. Tạm dịch nghĩa là: “Thần sinh ra đã biết, có một đôi chữ không hiểu thì hỏi ông sư ở chùa làng”.
(theo lưu truyền của dân chúng ở đây thì nhà Trạng gần chùa. Cụ sư trụ trì chùa có mở một lớp dạy học nhưng Trạng không theo học mà chỉ đứng nghe lỏm và được sư ông cho mượn sách đọc”).
Nghe câu trả lời của Trạng, Trần Thái Tông cho là Trạng tự kiêu, không biết lễ phép nên hạ chỉ: “Trạng còn nhỏ tuổi chưa biết lễ nên cho về quê 3 năm để học lễ rồi sẽ bổ dụng”. Vậy là Trạng Hiền lại phải lủi thủi về quê mặc dù rõ ràng đã đỗ đầu.
Một lần sứ giả Mông Cổ mang thư của triều đình họ sang nước ta. Trong thư chỉ có một bài thơ gồm 4 chữ là:
“Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian”
Ngoài bài thơ, bức thư không viết thêm chữ nào nữa khiến triều đình không hiểu được thông điệp. Trong lúc khó khăn, Trần Thái Tông nhớ đến Trạng Hiền bèn cho người về quê tìm.
Khi sứ giả tìm được Trạng rồi liền truyền lệnh của vua Trần triệu Trạng về triều đình. Rất ngạc nhiên, Trạng đáp: “Nhà Vua trách ta chưa học lễ, nay thấy nhà vua cũng chưa giữ lễ, ta chưa thể về Triều”. Sứ giả về tâu lại, Vua giật mình nghĩ ra bèn sai mang mũ áo, cùng xe ngựa rước Trạng lên kinh.
Khi Trạng đã về kinh, nhà vua bèn mang thư của Mông Cổ cho Trạng xem để dịch thông điệp.
Vừa lướt qua Trạng đã hiểu ngay nội dung. Toàn bộ 4 câu thơ của bài thơ chỉ miêu tả một chữ Điền. Hai chữ Nhật đặt cạnh nhau thì thành chữ Điền. Bốn chữ Sơn ở quay đầu vào nhau cũng thành chữ Điền. Hai chữ Vương đặt ngang dọc và chồng lên nhau là chữ Điền. 4 chữ Khẩu xếp lại thành 2 hàng ngang dọc cũng là chữ Điền. Trạng giải ra được nội dung khiến Triều đình giữ được quốc thể còn sứ Mông Cổ thì rất khâm phục. Người Mông Cổ biết nước Nam có người tài, chưa dễ gì đánh được.
Lại lần khác, sứ Mông Cổ mang sang bức thư chỉ có 2 chữ “Thanh Thúy”. Trạng Hiền đọc xong liền phê ngay vào thư là “Thập nhị nguyệt xuất tốt” và tâu vua Trần nên đưa quân ra biên giới phòng thủ vì tháng 12 giặc sẽ động binh. Nguyên chữ “thanh” gồm chữ thập, chữ nhị ở trên và chữ nguyệt ở dưới, chữ “thúy”gồm chữ xuất và chữ tốt ghép lại. Quân Mông Cổ đến đầu biên giới thấy ta đã có chuẩn bị nên lại rút quân về. “Thế là Trạng Hiền hai lần đánh giặc bằng bút. 
-------
Trạng nguyên Nguyễn Hiền sinh năm 1235 tại làng Dương Miện, phủ Thượng Hiền, trấn Sơn Nam Hạ. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm. Hai mẹ con Nguyễn Hiền ở trong một ngôi nhà nhỏ bên cạnh chùa làng. Sớm được tiếp xúc với môi trường học tập lại cộng với thiên tư tuyệt vời nên Nguyễn Hiền chỉ nghe lỏm mà cũng thông hiểu. Sư ông quý mến lại cho mượn sách vở nên chẳng bao lâu Nguyễn Hiền đã tiến bộ vượt bậc, giỏi hơn cả học sinh giỏi của trường và nổi tiếng thần đồng khắp vùng.
Năm 1247, khi mới 13 tuổi Nguyễn Hiền được người lớn dẫn lên kinh để thi và đã đỗ Trạng nguyên trong khoa thi đầu tiên đặt danh hiệu này, trở thành Khai quốc Trạng nguyên của Đại Việt.

Ảnh : Bàn thờ trong đền ghi bài thơ của sứ Mông Cổ mà Trạng Hiền giải mã được.