Được cha mẹ nói chuyện, âu yếm, khi ra đời bé sẽ linh hoạt, sớm
biết nói và phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Đây là một trong những kết quả
mà các hoạt động thai giáo mang lại.
Thai giáo gồm 14 kỹ năng cơ bản:
- Ru và hát
- Nựng nịu
- Dỗ dành
- Xoa vỗ bụng người mẹ thật dịu dàng với tâm trạng yêu thương
- Nghe nhạc thích hợp, du dương, nhẹ nhàng.
- Đọc và nói diễn cảm, rành rọt, chuẩn mực, tận dụng ngữ điệu tiếng Việt nhịp nhàng, nhiều thanh điệu.
- Nghĩ về và nghĩ đến thai nhi với tâm trạng trân trọng, chờ mong.
- Tư thế đi đứng, nằm ngồi đàng hoàng, vững vàng.
- Thầm kể, chuyện trò, khuyên nhủ thai nhi.
- Luôn luôn hỏi han bé: Hôm nay bé khỏe không, bé ngoan chứ? Bé có thấy bàn tay của ba sờ bé không?
- Miêu tả, bình phẩm tranh nghệ thuật,
- Quan tâm chăm sóc thai phụ, tránh căng thẳng, kịp thời hoá giải những ưu phiền, mặc cảm.
- Tạo không khí, khung cảnh, quan hệ tốt đẹp trong gia đình.
- Đồng bộ cả nhà cùng làm thai giáo.
Bằng chứng khoa học:
- Hơi ấm và giọng nói của cha mẹ đã được bé ghi nhớ. Đến khi bé chào
đời, những ấn tượng thân quen này sẽ giúp bé có cảm giác an toàn, gắn
bó.
- Dây rốn lưu chuyển cảm xúc từ mẹ đến bé. Chẳng hạn, sự tức giận tạo ra
chất andrenalin; Nỗi sợ hãi tạo ra chất cholamine; Niềm hạnh phúc tạo
ra chất endorphin. Các chất hóa học này chuyển qua nhau thai vào đến em
bé trong bụng trong vòng vài giây sau đó. Điều đó lý giải tại sao, người
mẹ khi mang thai vui vẻ, hoạt bát, phấn chấn, bao dung, cảm thông… cũng
sẽ truyền cho con tất cả những cảm xúc tích cực nhất.
Để thai giáo hiệu quả
- Để thai giáo có kết quả, bạn nên thực hiện các động tác tương tự nhau,
đơn giản, đúng giờ và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.
- Giữ chừng mực vừa phải. Tránh nôn nóng như: xoa bụng mạnh, nghe nhạc
“quá liều” hay hăng hái khám phá những danh lam thắng cảnh xa xôi, hiểm
trở ngay trong những tháng đầu của thai kỳ, rất dễ gây động thai…
Quý I của thai kỳ
Giai đoạn này, bên cạnh niềm vui được làm mẹ bạn cũng phải đối mặt với
những khó chịu của cơ thể khi mang thai. Tình trạng ốm nghén, tâm lý mệt
mỏi, dễ cáu gắt sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Kỹ năng thai giáo cơ bản
- Tâm trạng hạnh phúc: Dù bạn bị nôn hoặc quá mệt mỏi, cũng nên hạn chế
tối đa tâm trạng buồn bã, cáu gắt. Bởi vì tinh thần của bạn có ảnh hướng
trực tiếp đến sự phát triển của bé. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng,
những thai phụ stress sẽ có nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc
nhiều biến chứng thai nghén khác.
- Đi dạo cùng chồng: Nên dành thời gian buổi sáng hoặc buổi chiều đi dạo nhẹ nhàng, hít thở không khí trong lành.
- Đặt tên thân mật cho bé và bắt đầu sử dụng tên này khi trò chuyện, ví
dụ như Cún yêu hoặc Bống yêu… Nên nói chuyện với bé 15 phút/ngày.
- Đọc (kể) cho bé nghe những câu chuyện vui: Cách này vừa giúp bạn thư giãn vừa khiến bạn có cảm giác gần gũi với bé hơn.
- Vuốt ve bé: Một ngón tay ấn nhẹ vào bụng, sau đó thả ra, ấn nhẹ ngón
tay từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Có thể vừa vuốt ve vừa nói
chuyện với bé (khoảng 10 phút trước giờ đi ngủ mỗi ngày).
Lưu ý: Vuốt ve bé bằng ngón tay chứ không nên dùng bàn tay xoa bụng bầu.
Bởi vì hành động xoa bụng có thể làm tử cung xuất hiện những cơn co,
dẫn tới động thai, sảy thai hoặc sinh non. Với những thai phụ có tiền sử
sảy thai hoặc sinh non thì hành động xoa bụng càng phải tránh.
- Nhạc trữ tình cho mẹ: Bật một CD nhạc dân ca (hoặc trữ tình, nhạc
nhẹ…) bạn yêu thích và cùng thưởng thức với bé. Nhắm mắt lại khi nghe
đồng thời bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh dòng sông yên bình; cánh
đồng bát ngát hoặc bãi biển trong xanh…
Quý II của thai kỳ
Giai đoạn này, qua siêu âm, bạn có thể xác định được giới tính thai nhi.
Không nên lo lắng nếu bạn (hoặc gia đình) mong chờ bé trai nhưng kết
quả siêu âm lại là bé gái hoặc ngược lại. Nên tạo tâm lý cân bằng trong
suốt quá trình mang thai để bé được phát triển toàn diện.
Kỹ năng thai giáo cơ bản
- Giữ tinh thần thoải mái: Đi xem phim, dạo phố, tán gẫu với người thân sẽ khiến bạn vui tươi, thoải mái hơn.
- Cho bé tiếp xúc với ánh sáng: Từ tuần thứ 16 của thai kỳ, bé bắt đầu
biết cử động mắt (mắt bé có phản xạ nhắm hoặc mở mắt trong những khoảng
thời gian rất ngắn). Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, bé có xu
hướng quay đầu về phía ánh sáng. Qua thành bụng của bà mẹ, bé sẽ cảm
nhận được ánh sáng có màu hồng nhạt.
- Làm quen với ngôn ngữ: Chọn loại nhạc dân ca dành cho thiếu nhi có
tiết tấu vui nhộn để bé nghe vào buổi sáng. Nhạc cổ điển có âm điệu du
dương dành cho bé vào buổi tối. Thời gian nghe một lần tối đa trong 10
phút.
Tránh những loại nhạc có cường độ lớn, âm thanh chói, tiết tấu phức tạp vì chúng sẽ khiến bé bị giật mình.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hát cho bé nghe.
- Chào bé: Lúc bạn thấy bé ngủ dậy (dấu hiệu là bé đạp hoặc cựa quậy vào
buổi sáng), thử vuốt ve và chào hỏi bé. Nói với bé những câu ngắn gọn,
vui vẻ với cường độ chậm. Bạn nên rủ thêm chồng cùng tham gia giao tiếp
với bé.
- Chơi cùng bé: Sau mỗi lần bé đạp, bạn dùng ngón tay vỗ nhẹ vào bụng
một chút và chờ bé đạp tiếp. Dần dần bé sẽ quen với trò chơi này, bạn vỗ
nhẹ vào chỗ nào, bé sẽ biết cách đạp vào chỗ ấy.
Quý III của thai kỳ
Giai đoạn này, bạn đã quen với việc mang thai và thường xuất hiện cảm giác mong ngóng bé chào đời.
Các kỹ năng thai giáo cơ bản
- Âm nhạc: Lúc này, các cơ quan thính giác, thị giác của bé đã phát
triển. Có thể đặt tai nghe vào bụng cho bé nghe nhạc ngày khoảng 2 lần
(mỗi lần 10 phút).
Hát cho bé: Chọn một bài hát ngắn có tiết tấu rõ ràng. Mỗi lần bạn hát
cho bé xong một nhịp, nên nghỉ ngơi vài giây để bé tiếp thu trước khi
hát nhịp tiếp theo.
- Kết hợp vận động, trò chuyện và ánh sáng: Cùng ông xã đi bộ ngoài trời
nắng nhẹ, nói cho bé nghe những câu chuyện dài hơn và nựng nịu bé.
- Đọc sách: Chọn những cuốn sách văn học có tính chất nghệ thuật, đọc
cho bé nghe trước giờ đi ngủ hàng ngày. Hoặc bạn cũng có thể miêu tả,
bình phẩm chi tiết một bức tranh nghệ thuật với bé.
(Theo Phụ Nữ)
|